TÀI LIỆU SINH HOẠT HỘI VIÊN HỎI ĐÁP VỀ ATVSTP, PHÒNG CHỐNG TẢO HÔN VÀ HÔN NHÂN CẬN HUYẾT
Câu 1: Thế nào là "Thực phẩm bẩn"?
Trả lời: Thực phẩm “bẩn” là khái niệm được người tiêu dùng hiện nay sử dụng cho những loại thực phẩm bị tẩm hóa chất, tiêm chất kích thích nhằm tạo nên vẻ tươi ngon bên ngoài, nhưng chất lượng và quá trình sản xuất lại không đảm bảo, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người khi sử dụng lâu dài.
Câu 2: Những dấu hiệu nào để nhận biết "Thực phẩm bẩn"?
Trả lời:
- Thực phẩm sống: không còn tươi mới, bị dập nát, có mùi và màu lạ.
- Thực phẩm chín: bày bán gần nơi cống rãnh, buị bẩn, bùn lầy, nước đọng, để lẫn lộn thực phẩm sống và chín, không có dao thớt riêng, không có giá kê cao, không có dụng cụ che đậy, không có đồ bao gói, màu sắc lòe loẹt không tự nhiên.
- Thực phẩm bao gói sẵn: không có nhãn hiệu hàng hóa, hoặc có nhãn nhưng không ghi hạn dùng hoặc đã quá hạn dùng, không ghi rõ nơi sản xuất. Bao gói bị phồng, méo, rạn nứt, han rỉ.
- Thực phẩm khô: đã bị mốc, đặc biệt là các loại ngũ cốc, hạt có dầu như đậu, lạc mốc có chứa độc tố vi nấm rất nguy hiểm.
Câu 3: Tác hại của thực phẩm bẩn?
Trả lời:
- Thực phẩm bẩn có thể gây ra các bệnh nguy hiểm: ung thư, các rối loạn chức năng không rõ nguyên nhân, vô sinh, quái thai...
- Thực phẩm bẩn gây bệnh mãn tính, cấp tính: ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa hoặc thần kinh nhẹ…
Câu 4: Những tổ chức, cá nhân sản xuất. kinh doanh thực phẩm bẩn sẽ xử lý như thế nào?
Tại Ðiều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; theo đó cơ quan chức năng có thể xử lý hình sự với mức hình phạt lên tới 20 năm tù, phạt tiền tối đa 500.000.000 đồng đối với đối tượng vi phạm về lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm nếu họ biết rõ là thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ người khác mà vẫn chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm.
Câu 5: Phụ nữ cần làm gì để phòng, chống thực phẩm bẩn?
Trả lời:
- Tích cực học tập, nâng cao kiến thức về VSATTP, các văn bản quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm để hiểu quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm.
- Công khai và tẩy chay thực phẩm bẩn, các cơ sở thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, các sản phẩm thực phẩm ô nhiễm, biến chất.
- Đọc kỹ nhãn hàng trước khi mua, xem kỹ ngày sản xuất, hạn sử dụng, quan sát xem bao bì sản phẩm có rách, méo, hở hoặc phồng bất thường không, khi sử dụng có mùi vị khác lạ (chua, khét, gây buồn nôn...) không. Nếu có cần loại bỏ ngay.
- Báo tin cho cơ quan chức năng khi nghi ngờ hàng hóa có những sai phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm để xử lý.
- Tiếp tục nhân rộng các mô hình trồng rau sạch, mô hình thực phẩm sạch, bếp ăn tập thể an toàn để chăm lo tốt hơn sức khỏe cho mỗi gia đình.
- Tuyên truyền, vận động người thân, gia đình và cộng đồng hiểu đúng, thực hành đúng về VSATTP, nêu cao trách nhiệm của người sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm VSATTP, chung tay vì một xã hội “Nói không với thực phẩm bẩn”.
Câu 6: Để bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, Nhà nước ta cấm thực hiện những hành vi nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 5 Luật HNGĐ năm 2014, quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật HNGĐ, được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
Các hành vi sau đây theo quy định của Luật HNGĐ năm 2014 bị cấm thực hiện: - Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
- Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
- Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
- Yêu sách của cải trong kết hôn;
- Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
- Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
- Bạo lực gia đình;
- Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Câu 7: Nam, nữ muốn kết hôn thì phải đáp ứng những điều kiện gì?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 8 Luật HNGĐ năm 2014 nam, nữ muốn kết hôn với nhau phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Điều kiện về độ tuổi: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.
- Điều kiện về thể hiện ý chí, nguyện vọng trong xác lập quan hệ hôn nhân: Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
- Điều kiện về năng lực chủ thể: Nam, nữ không bị mất năng lực hành vi dân sự;
- Điều kiện không vi phạm các trường hợp cấm kết hôn: Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c, và d khoản 2 Điều 5 của Luật này. Ngoài ra, Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Câu 8: Những tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần cấm áp dụng.
Theo quy định tại Mục II Phụ lục Danh mục các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần vận động xóa bỏ hoặc cấm áp dụng ban hành kèm theo Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ, các tập quán sau đây cần cấm áp dụng:
7.1. Chế độ hôn nhân đa thê.
7.2. Kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người khác có họ trong phạm vi ba đời.
7.3. Tục cướp vợ để cưỡng ép người phụ nữ làm vợ.
7.4. Thách cưới cao mang tính chất gả bán (như đòi bạc trắng, tiền mặt, của hồi môn, trâu, bò, chiêng ché… để dẫn cưới).
7.5. Phong tục “nối dây”; Khi người chồng chết, người vợ góa bị ép buộc kết hôn với anh trai hoặc em trai của người chồng quá cố; khi người vợ chết, người chồng góa bị ép buộc kết hôn với chị gái hoặc em gái của người vợ quá cố.
7.6. Bắt buộc người phụ nữ góa chồng hoặc người đàn ông góa vợ, nếu kết hôn với người khác thì phải trả lại tiền cưới cho nhà chồng cũ hoặc nhà vợ cũ.
7.7. Đòi lại của cải, phạt vạ khi vợ, chồng ly hôn.
Câu 9: Thế nào là tảo hôn?
Trả lời:
Theo khoản 8 Điều 3 Luật HNGĐ năm 2014 quy định: Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật này.
Ngoài ra, tảo hôn còn được hiểu bằng các cách khác như: Tảo hôn là việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm về độ tuổi kết hôn. Tảo hôn là việc hai bên chung sống như vợ chồng dưới tuổi luật định. Tảo hôn là việc nam, nữ xác lập quan hệ vợ chồng khi một bên hoặc cả hai bên nam, nữ chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật.
Câu 10. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết gây ra hậu quả gì cho gia đình và xã hội?
Trả lời: Tảo hôn gây ra những hậu quả xấu đối với gia đình và xã hội, đó là:
- Ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bà mẹ trẻ em
- Ảnh hưởng xấu đến việc chăm sóc con cái
- Nảy sinh nhiều mâu thuẫn gia đình do hôn nhân không có tình yêu
- Làm suy giảm chất lượng dân số, suy thoái giống nòi
- Hạn chế sức lao động.
- Ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.
- Vi phạm pháp luật về hôn nhân, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng.
Câu 11. Pháp luật quy định như thế nào về tội tổ chức tảo hôn, tảo hôn?
Trả lời:
Đối với hành vi tảo hôn với mức độ vi phạm nghiêm trọng có thể bị xử phạt hình sự về tội tổ chức tảo hôn, tảo hôn hoặc tội giao cấu với trẻ em theo quy định của Bộ luật hình sự như sau:
- Khi đã bị xử phạt hành chính về hành vi tổ chức tảo hôn, tảo hôn mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm đối với các hành vi tổ chức việc kết hôn cho những người chưa đến tuổi kết hôn; hay cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đến tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Toà án buộc chấm dứt quan hệ đó;
- Tội giao cấu với trẻ em: người nào đã thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên) mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ một năm đến 5 năm. Trường hợp “phạm tội nhiều lần” hoặc “làm nạn nhân có thai” thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Người đã thành niên giao cấu với người từ đủ 16 tuổi trở lên không cấu thành tội phạm.
Câu 12. Thế nào là hôn nhân cận huyết thống?
Trả lời:
Kết hôn cận huyết thống là hôn nhân giữa nam và nữ trong cùng họ hàng thân thuộc chưa quá 3 thế hệ. Nói cách khác, hôn nhân cận huyết thống là hôn nhân giữa nam và nữ có cùng dòng máu về trực hệ hoặc những người có họ hàng thân thuộc trong phạm vi ba đời.
Câu 13:Xử phạt hành chính đối với hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người có họ trong phạm vi ba đời hoặc có cùng dòng máu trực hệ như thế nào?
Trả lời:
Khoản 35 Điều 1, Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người có cùng dòng máu về trực hệ.