image banner
  ĐĂNG NHẬP  
Đột quỵ ngày càng trẻ hóa, nữ giới có nguy cơ cao hơn nam
Anh-tin-bai

 Bệnh nhân bị đột quỵ được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: Văn Cường

Gần 1 tuần trôi qua, chị Ngô Thị Thanh Thủy, Trưởng Nhóm thiện nguyện Duyên Lành (ở quận Đống Đa, Hà Nội), vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể về Hoàng Thiên Mỹ, một thành viên trong nhóm, vừa mất do đột quỵ. 

Chị Thủy cho biết, hôm ấy đang ngồi ăn cơm cùng bạn bè, Mỹ kêu mệt nên lên giường nằm nghỉ nhưng sau đó gọi em không dậy, đưa đi cấp cứu thì đã muộn.

"Mỹ còn quá trẻ, mới 24 tuổi. Cô gái ấy mong muốn giúp đỡ nhiều người hơn nữa, vậy mà căn bệnh đột quỵ đã khiến em không còn cơ hội thực hiện ước mơ ấy", chị Thủy tâm sự.

Nhiều người chủ quan, không nghĩ đến đột quỵ

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng. Tình trạng thường gặp khi vào bệnh viện là chảy máu não hoặc tắc nhồi máu não. 

Ở nhóm bệnh nhân này, phần lớn số ca chủ quan, không nghĩ đến đột quỵ mà nghĩ đến bệnh lý khác, nên dễ bỏ qua giai đoạn sớm của bệnh. "Khoa Đột quỵ não, Viện Thần kinh của Bệnh viện 108 từng tiếp nhận những bệnh nhân nữ tuổi đời còn rất trẻ đã bị đột quỵ. 

Mới đây là trường hợp bệnh nhân nữ 29 tuổi nhập viện trong tình trạng liệt hoàn toàn nửa người phải, ý thức chậm. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhân bị chảy máu não. Bệnh nhân này không có tiền sử bệnh lý nền", PGS.TS Nguyễn Hoàng Ngọc chia sẻ.

Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm, khả năng tử vong và tàn tật cao. Tuy nhiên, nếu được phát hiện, điều trị sớm thì khả năng bình phục là hoàn toàn có thể. Câu chuyện của chị Trần Minh Nụ (35 tuổi, ở Cà Mau) là một ví dụ. 

Chị Nụ cho biết, sau sinh 2 tuần, đột nhiên chị xuất hiện các triệu chứng liệt nửa người, rối loạn tri giác, nói khó. Ngay lập tức, người thân đã đưa chị vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ. 

Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy chị bị nhồi máu não, được chỉ định can thiệp hút huyết khối ngay trong đêm. Sáng ngày hôm sau, chị đã tỉnh táo và có thể giao tiếp trở lại. 

"Tối hôm ấy, tôi nằm một mình, thấy mình bị tê, liệt, muốn gọi chồng nhưng ú ớ không nói được. May sao 15 phút sau đó, chồng tôi vào, phát hiện ra và đưa tôi đi bệnh viện luôn. Bác sĩ nói, may mắn là tôi được đưa đến bệnh viện sớm, không cần phải phẫu thuật và khả năng phục hồi tốt nên sau 2 tuần điều trị đã đi lại được và ra viện", chị Nụ nhớ lại.

Nữ giới có nguy cơ cao hơn nam giới

Lối sống thiếu khoa học, áp lực công việc là những nguyên nhân chính khiến gia tăng tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ. Trong đó, đối với nữ giới, họ có nguy cơ trầm cảm cao hơn nam giới, nhất là những người bị suy nhược cơ thể do rối loạn ăn uống, sinh hoạt, giấc ngủ... 

Khi bị trầm cảm, hệ thần kinh giao cảm phải hoạt động quá mức nên tăng nguy cơ đột quỵ.

Bên cạnh đó, phụ nữ thường có nhiều yếu tố tiềm ẩn gây tăng huyết áp, đặc biệt sau thai kỳ, sinh con gây thiếu hụt nội tiết tố. Hoặc có thể do một thời gian dài dùng thuốc tránh thai estrogen và progestin. 

Việc sử dụng loại thuốc này làm tăng nguy cơ cao huyết áp và đông máu - các yếu tố thường gặp ở bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não.

Vì vậy, theo TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, để chủ động phòng tránh đột quỵ ở người trẻ, đặc biệt là nữ giới, điều cần lưu ý đầu tiên chính là giảm stress và ngủ đủ giấc, ít nhất 7 tiếng/ngày. 

"Chị em nên thực hành lối sống lành mạnh, tập thể dục tối thiểu 30 phút mỗi ngày, tối thiểu 5 ngày mỗi tuần. Có thể bắt đầu bằng những bài tập đơn giản như đi bộ. Chế độ ăn hợp lý như giảm đồ dầu mỡ, mỡ nội tạng động vật, thịt đỏ, hạn chế muối, ăn bổ sung rau xanh, dầu và chất béo không no. 

Đặc biệt, cần kiểm soát tốt các bệnh lý nền nếu có và nắm chắc các dấu hiệu đột quỵ, tiếp cận cơ sở y tế sớm nhất có thể trong trường hợp có các triệu chứng".

Theo số liệu từ Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), độ tuổi đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Cụ thể, tỷ lệ người trẻ và người trung niên chiếm khoảng 1/3 tổng số trường hợp đột quỵ. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm.

 *Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Nguồn: Báo Phụ nữ Việt Nam  

THÔNG BÁO
VIDEO - CLIP
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1