image banner
  ĐĂNG NHẬP  
Vai trò của các cấp Hội trong công tác phòng, chống Bạo lực gia đình

Gia đình là nơi để yêu thường, là điểm tựa vững chắc và là chốn về ấm áp, bình yên của mỗi người. Không ai có thể phủ nhận được giá trị thiêng liêng của hạnh phúc và tình yêu thương gia đình. Gia đình không chỉ là nơi trú ngụ, mà là chiếc nôi nuôi dưỡng tình yêu thương, vun đắp, giáo dục và hình thành nhân cách của con người.

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có được tổ ấm hạnh phúc, tràn đầy tình yêu thương; nhiều gia đình cũng không tránh khỏi đau xót khi bị ám ảnh bởi bạo lực gia đình. Dù ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, bạo lực gia đình không chỉ để lại hậu quả về thể chất, tinh thần mà còn về mặt kinh tế - xã hội, là vấn đề nhức nhối khiến dư luận, xã hội đặc biệt quan tâm. Bạo lực gia đình (BLGĐ) làm xói mòn các giá trị, chuẩn mực, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phá vỡ sự bền vững của gia đình.

Vì vây, công tác phòng, chống BLGĐ là nhiệm vụ quan trọng cần có sự nỗ lực chung tay, chung sức của cộng đồng và của cả hệ thống chính trị.

Nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống bạo lực gia đình

Trong những năm qua, các cấp Hội phụ nữ Nghệ An đã chủ động, tích cực phối hợp với các ban, ngành triển khai thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình gắn với thực hiện Đề án “Tuyên truyền, vận động và hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”. Hội đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về phòng chống phòng chống BLGĐ trên cơ sở giới, các hoạt động vì phụ nữ yếu thế. Hội tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện bằng nhiều hoạt động, diễn đàn ý nghĩa với hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, giáo dục tiền hôn nhân, nuôi dạy con, tuyên truyền chính sách dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em… Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng ông bố, bà mẹ và các thành viên trong gia đình có con dưới 16 tuổi. Qua đó, góp phần không nhỏ giúp hội viên, phụ nữ, các ông bố nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống BLGĐ.

Anh-tin-bai
 

Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nghệ An phát biểu tại

Lễ phát động Năm an toàn cho Phụ nữ và trẻ em. ẢnhVG

 

Nhằm tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên phụ nữ, các cấp Hội phối hợp tuyên truyền Bộ luật dân sự; Luật Bình đẳng giới; Luật hôn nhân gia đình; Luật phòng, chống bạo lực gia đình kết hợp với trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật,... với các hình thức tuyền truyền đa dạng như: Tập huấn, nói chuyện chuyên đề, hội thảo, hội thi, các phiên tòa lưu động, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chi hội, xây dựng các mô hình điểm và nhân rộng điển hình, giao lưu gặp mặt các điển hình, xây dựng tủ sách pháp luật…

Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã in và phát hành 18.960 cuốn tài liệu, 35.050 tờ rơi về: “Luật Hôn nhân gia đình”, “Hỏi đáp về giới và bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình”, “Tuyên truyền giáo dục đạo đức, truyền thống tốt đẹp trong gia đình”, “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”, “Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình“… in 3.650 đĩa DVD các tiểu phẩm sân khấu hóa các nội dung liên quan đến xây dựng hạnh phúc gia đình, vấn đề giới, phòng chống bạo lực gia đình. Hội LHPN tỉnh phối hợp với Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An xây dựng chuyên trang "Phụ nữ Nghệ An”, nhiều phóng sự được xây dựng tạo được dấu ấn và sự lan tỏa trong cộng đồng về vai trò của phụ nữ như phóng sự: “Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật”, “Vai trò của phụ nữ trong xây dựng gia đình hạnh phúc”. Toàn tỉnh đã có 520 phóng sự, trên 2.338 tin, bài tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới gắn với phong trào phụ nữ và hoạt động Hội; các mô hình, gương điển hình tập thể, cá nhân phụ nữ tiêu biểu trong cộng đồng. Hội LHPN tỉnh tổ chức 04 cuộc thi tìm hiểu kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình bằng hình thức sân khấu hóa tại huyện Quỳnh Lưu; 01cuộc thi tìm hiểu về phòng chống bạo lực gia đình và phòng chống dịch bệnh Covid 19; 03 cuộc thi rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức phòng chống xâm hại tình dục tại huyện Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn; 02 cuộc thi "Trao yêu thương - trọn niềm hạnh phúc” và "Sáng kiến truyền thông về phòng chống xâm hại tình dục” tại trường THCS Minh Lương Quỳnh Lưu.

 

Hội thi "Gia đình hạnh phúc" và tìm hiểu kiến thức về phòng chống bạo lực gia đình năm 2023. Ảnh CTV

Hàng năm, Hội LHPN tỉnh phát hành 04 số Bản tin "Phụ nữ Nghệ An" trong đó có các chuyên đề như: “Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho phụ nữ”, "Vai trò của phụ nữ trong xây dựng gia đình hạnh phúc", "Tuyên truyền, giáo dục pháp luật và hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ", “Phòng chống bạo lực gia đình”,… với số lượng 20.000 cuốn/năm. Thường xuyên đăng tải các tin, bài viết trên Cổng thông tin điện tử của Hội LHPN tỉnh tại chuyên mục “Phụ nữ với gia đình”, “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Các cấp Hội tăng cường tuyên truyền trên các các mạng xã hội như Facebook, zalo, trang Fanpage, đặc biệt trang Fanpage “Phụ nữ Nghệ An” hiện đang thu hút trên 15.000 người theo dõi.

Anh-tin-bai

tại buổi lễ ra mắt câu lạc bộ và đội phản ứng nhanh phòng chống bạo lực gia đình và phòng chống xâm hại trẻ em

tại xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong. Ảnh CTV

Bên cạnh đó, các cấp Hội thực hiện khâu đột phá “Nâng cao hiệu quả chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ”, lựa chọn nội dung giám sát phù hợp với yêu cầu tại các địa phương, đơn vị. Trong 05 năm qua, đã tổ chức giám sát 2.563 cuộc về các nội dung liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Qua giám sát, các cấp Hội đã kiến nghị, đề xuất một số vấn đề được chính quyền, các ban, ngành liên quan tiếp thu. Riêng năm 2022, các cấp Hội đã tư vấn pháp luật cho 289 trường hợp về hôn nhân gia đình, đất đai; tổ chức 20 cuộc truyền thông tuyên truyền giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn. Các cấp Hội đã phát hiện, lên tiếng, kiến nghị và giám sát việc xử lý các vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em, giải quyết đơn thư, tư vấn pháp luật cho cán bộ, hội viên, phụ nữ…

Xây dựng các mô hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý góp phần phòng, chống BLGĐ

Bên cạnh công tác truyền thông, các cấp Hội xây dựng các mô hình CLB “Giáo dục với pháp luật”, “Tổ tự quản”, “Tổ hòa giải”, “Trợ giúp pháp lý”, “Phụ nữ với pháp luật”, “Tuyên truyền phụ nữ”…Hội LHPN tỉnh xây dựng các mô hình điểm: 09 mô hình “Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng” tại huyện Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Tân Kỳ và Kỳ Sơn…; Mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc; Mô hình CLB ‘Gia đình hạnh phúc bền vững” và tổ tư vấn hôn nhân - gia đình tại Vĩnh Sơn, Anh Sơn. Thành lập hai “Đội phản ứng nhanh” tại hai xã Quỳnh Lương, Quỳnh Thắng của huyện Quỳnh Lưu nhằm hỗ trợ các trường hợp bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục và mua bán người; thông qua 2 đội phản ứng nhanh đã đề xuất hỗ trợ chuyên sâu, chuyển tuyến 21 trường hợp bị bạo lực gia đình, can thiệp được 87 trường hợp và hỗ trợ 300 trường hợp bị bạo lực tại 2 xã.

 Các cấp Hội xây dựng mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”, “Góc tư vấn hôn nhân và gia đình”, mô hình “18+1” (18 chị giúp 1 chị thoát nghèo). Duy trì và nhân rộng mô hình CLB “Phụ nữ với pháp luật”, "Xây dựng cơ sở Hội vững mạnh, đồng hành cùng chi hội, tổ phụ nữ vùng dân tộc”... Đến nay, các huyện, thành thị đã chỉ đạo nhân rộng được 855 mô hình phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế của hội viên phụ nữ thông qua đó tạo điều kiện, cơ hội cho hội viên phụ nữ mạnh dạn, chủ động hơn, sẵn sàng lên tiếng, nắm được cách thức để bảo vệ bản thân và giải quyết các vấn đề xã hội liên quan trong cuộc sống hằng ngày. Hiện nay 100% huyện, thành thị đã khảo sát, lập danh sách các nạn nhân của bạo lực gia đình để theo dõi, hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng, đồng thời xây dựng đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho người bị bạo lực gia đình. Năm 2022, các cấp Hội đã tổ chức được 15 cuộc tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cộng tác viên, phát hiện 54 phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình, trong đó đã được Hội trực tiếp giúp đỡ 35 người, kết nối với các tổ chức Quốc tế tại Việt Nam giúp đỡ 19 người với các hình thức như: hướng dẫn tham gia các hoạt động của Hội, các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, hỗ trợ sinh kế như gà, lợn, bò, dê giống và hỗ trợ làm thủ tục cho vay vốn để phát triển kinh tế, tài hòa nhập cộng đồng.

Anh-tin-bai
Các gia đình tham gia Ngày Hội "Gia đình bình an - Xã hội hạnh phúc" tại Quỳnh Lưu. Ảnh. CTV

Bạo lực gia đình từ lâu đã không còn là vấn đề riêng của mỗi gia đình mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định xã hội. Do đó việc phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm chung của cộng đồng chứ không phải chỉ là của nhà nước và những người có liên quan. Để đạt được hiệu quả trong công tác phòng chống bạo lực gia đình thì rất cần sự quan tâm phối hợp của tất cả các cơ quan liên quan và các thành viên trong xã hội. Gia đình hạnh phúc thì xã hội bình yên; vì vậy cả xã hội chung tay để cùng phòng, chống bạo lực gia đình để gia đình luôn là tổ ấm của mỗi người, là nơi để mỗi khi đi để nhớ về.

Trong thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục phát huy vai trò tham mưu, chủ động lồng ghép, vận động nguồn lực, huy động sự tham gia của các cấp, ngành trong triển khai các hoạt động nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, hội viên phụ nữ về giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật. Tổ chức các hoạt động cung cấp các kiến thức về giáo dục làm cha mẹ, cách chăm sóc giáo dục con cái, giá trị truyền thống tốt đẹp trong gia đình, các kiến thức tổ chức cuộc sống trong gia đình. Đẩy mạnh việc huy động sự tham gia tích cực, tăng dần về số lượng nam giới vào các hoạt động do Hội tổ chức để tăng sự cảm thông, chia sẻ của người chồng, người cha trong gia đình. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt, phát hiện, phản ánh với các cơ quan chức năng về các vụ việc bạo lực gia đình; kịp thời lên tiếng, phối hợp tham gia giải quyết trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo lực nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em. Chú trọng can thiệp sớm ở cơ sở ngay khi phát hiện vụ việc. Quan tâm phát hiện, xây dựng điển hình tốt, cách làm hiệu quả nhằm hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ, trẻ em để tuyên truyền, nhân rộng./

                                                                                    Vương Giang

THÔNG BÁO
VIDEO - CLIP
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1