Phát huy vai trò giáo dục gia đình trong giáo dục văn hóa học đường
Ảnh minh họa
Tóm tắt
Văn hóa học đường là một yếu tố quan trọng tạo nên môi trường giáo dục chuẩn mực, góp phần định hình phẩm chất, năng lực của học sinh, đặc biệt là các bậc học thấp. Phát triển văn hóa học đường tích cực là trách nhiệm của không chỉ giáo viên, học sinh trong nhà trường mà còn cần sự tham gia của gia đình nói riêng và xã hội nói chung. Giáo dục trong gia đình và giáo dục trong nhà trường vừa vun đắp, hỗ trợ lẫn nhau, đồng thời vừa có sự so sánh, đối chiếu để thúc đẩy những thay đổi tích cực từ cả hai phía. Thực tế hiện nay cho thấy sự suy giảm chức năng giáo dục gia đình đã và đang góp phần tạo nên những vấn đề tiêu cực trong văn hóa học đường. Dựa trên kinh nghiệm của Hội LHPN Việt Nam trong hỗ trợ và phát triển các kỹ năng giáo dục gia đình, giáo dục làm cha mẹ, bài viết phân tích tầm quan trọng và sự cần thiết của phát huy giáo dục gia đình đối với giáo dục văn hóa học đường, từ đó, đề xuất một số giải pháp hỗ trợ.
1. Sự cần thiết phát huy giáo dục gia đình trong mối quan hệ với giáo dục văn hóa học đường
Những năm gần đây, việc phát triển văn hóa học đường ngày càng được coi trọng bởi sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh chịu ảnh hưởng rất lớn của môi trường văn hóa học đường. Đây không chỉ là nơi các em lĩnh hội kiến thức văn hóa, khoa học, nghề nghiệp mà còn là môi trường xã hội thu nhỏ (Nguyễn H. K., 2012). Văn hóa học đường là những giá trị tốt đẹp, chuẩn mực hướng tới chuẩn chất lượng cao trong giáo dục (Nguyễn, Nguyễn, & Nguyễn, 2017). Một môi trường văn hóa học đường thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho các em nhanh chóng trưởng thành, tạo nền tảng cơ bản vững chắc để các em có thể trở thành người công dân tốt cho xã hội (Nguyễn H. K., 2012). Ngược lại, nếu môi trường học đường thiếu văn hoá thì không thể làm được chức năng truyền tải những giá trị kiến thức nhân văn cho thế hệ trẻ (Nguyễn T. T., 2019). Văn hóa học đường ở mỗi nhà trường tạo niềm tin cho xã hội trong việc thực hiện chức năng giáo dục và sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần đào tạo, cung ứng cho xã hội những người công dân tốt, một nguồn nhân lực có phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Từ đó, mỗi nhà trường sẽ là tấm gương cho các tổ chức, cá nhân trong xã hội, cộng đồng noi theo (Nguyễn, 2019).
Văn hóa học đường là tập hợp những giá trị, niềm tin và truyền thống đã được hình thành trong suốt lịch sử xây dựng và phát triển trường (Schein, 1985) (Nguyễn, Nguyễn, & Nguyễn, 2017) (Đỗ, 2016). Đây là những giá trị chuẩn mực được kiến tạo và không ngừng hoàn thiện qua các quá trình tương tác, ứng xử giữa nhà quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh, và cả cộng đồng, trong quá trình dạy và học cũng như tương tác với thế giới bên ngoài. Văn hóa học đường là những nét đặc trưng riêng biệt, tạo nên sự khác biệt của nhà trường với các nhà trường, tổ chức khác (Nguyễn, Nguyễn, & Nguyễn, 2017) (Peterson & Deal, 2009) (Vũ, 2018), phản ánh sứ mệnh, tầm nhìn, kết quả đạt được của nhà trường (Đỗ, 2016).
Giáo dục văn hóa học đường hiện nay cần kết hợp ba yếu tố: nhà trường – gia đình – xã hội bởi nhà trường là hệ thống mở, luôn tương tác với mọi thứ xung quanh. Bên cạnh giáo dục học đường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội cũng là những bộ phận quan trọng của nền giáo dục mà mỗi người nhận được trong suốt cuộc đời, góp phần chủ đạo tạo nên phẩm cách con người, tầm vóc của một dân tộc. Mỗi cá nhân đều chịu ảnh hưởng để hình thành nhân cách từ gia đình và nhà trường, được thử thách, trưởng thành nhờ xã hội. Vì thế, nếu có sự quan tâm đầy đủ từ ba môi trường này thì sẽ có điều kiện để phát triển lành mạnh, hình thành nhân cách và năng lực của các cá nhân, trong đó, cần đặc biệt quan tâm tới giáo dục gia đình.
Chỉ thị 06-TW/CT của Ban Bí thư khẳng định “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc… Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước” (2021). Sách Tam Tự Kinh có dạy “Dưỡng bất giáo, phụ chi quá” – gia đình chịu trách nhiệm ban đầu với quá trình xã hội hóa của con người, là nơi nuôi dưỡng, dạy dỗ và rèn giũa để hình thành lên nhân cách của con người. Bản thân mỗi con người là sự phản ánh về nếp nhà, phông văn hóa của gia đình đã nuôi dưỡng, sinh thành.
Để trẻ em trở thành một người có nhân cách tốt, việc giáo dục trong gia đình đóng vai trò chủ đạo, không chỉ ở lời nói mà còn cả cử chỉ, ứng xử, giao tiếp bởi thông qua đó, tác động trực tiếp đến việc hình thành giá trị xã hội và nhân cách văn hóa của mỗi người. Mọi hành vi, thái độ, lối sống của người lớn, nhất là cha mẹ có tác động trực tiếp tới việc hình thành, phát triển nhân cách của con trẻ. Giáo dục gia đình không chuẩn mực sẽ dẫn con trẻ đến suy nghĩ và hành vi lệch chuẩn. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ ra thực trạng về việc đạo đức, lối sống trong gia đình, học đường, xã hội có mặt xuống cấp đáng lo ngại, gây bức xúc cho xã hội, và yêu cầu cần đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ.
Giáo dục văn hóa học đường nói riêng và giáo dục học đường nói chung, là sự tiếp diễn, kế thừa từ giáo dục gia đình. Văn hóa học đường là một bộ phận của văn hóa dân tộc, kế thừa và phát huy giá trị nhân văn, truyền thống của văn hóa dân tộc (Nguyễn T. N., 2020), mà văn hóa dân tộc được trao truyền giữa các thế hệ thông qua giáo dục nề nếp, gia phong trong gia đình. Văn hóa học đường là sự kế thừa có chọn lọc từ những giá trị văn hóa gia đình nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung, với sự phù hợp theo tính chất của tổ chức giáo dục.
Trẻ em tiếp nhận giáo dục từ gia đình trước khi bước chân vào cánh cổng nhà trường và thể hiện những tác phong của gia đình khi ở trong môi trường học đường, gồm cả tác phong tốt và xấu. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc chứng kiến bạo lực gia đình làm tăng khả năng trẻ em trở thành kẻ bắt nạt học đường (Kenneth & Ellen, 2010) (Baldry, 2003).
Bên cạnh đó, trẻ em đồng thời nhận sự dạy dỗ từ nhà trường và gia đình trong suốt quá trình đi học. Các kết quả nghiên cứu đều cho thấy việc phối hợp của gia đình và nhà trường trong giáo dục, rèn giũa trẻ em đem lại hiệu quả cao hơn so với việc phó mặc trách nhiệm cho nhà trường (Constantino, 2003). Nếu hệ giá trị của hai thiết chế này “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, trẻ em có xu hướng không tuân thủ những quy tắc, quy chế được đặt ra trong nhà trường, làm giảm hiệu quả của công tác giáo dục văn hóa học đường.
Ở chiều ngược lại, nếu trẻ em tiếp thu nền giáo dục tốt từ gia đình, trẻ cũng học được việc đánh giá những điều được dạy trên trường lớp, phát hiện những điều thiếu sót, hạn chế trong văn hóa học đường hiện nay. Văn hóa gia đình trở thành “tấm gương soi chiếu” để trẻ em phân biệt đúng – sai trong khi tiếp nhận những kiến thức, văn hóa từ phía nhà trường, dũng cảm phản ánh, chống lại những vấn đề tiêu cực, góp phần vun đắp các giá trị tốt đẹp của văn hóa học đường. Gia đình trở thành “căn cứ địa” bảo vệ trẻ em khỏi những tác nhân tiêu cực từ môi trường bên ngoài, trong đó có học đường, thông qua việc trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng phù hợp.
Phát triển giáo dục gia đình là cách góp phần phát triển giáo dục văn hóa học đường, giúp rèn luyện nhân cách và giáo dục học sinh có cách thức, tình cảm, hành động tốt đẹp (Phạm, 2013) (Nguyễn T. N., 2020), trở thành những người có hoài bão, có lý tưởng (Nguyễn T. T., 2019).
2. Thực trạng giáo dục gia đình hiện nay và các vấn đề đặt ra liên quan đến giáo dục văn hóa học đường
Những năm gần đây, nhiều vụ việc, vấn đề tiêu cực, suy thoái trong môi trường học đường trở thành nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội - từ chạy điểm, chạy lớp, học sinh hay phụ huynh học sinh bạo lực giáo viên, đến những vụ việc bạo hành, thậm chí xâm hại tình dục học sinh… Những vụ việc xảy ra không chỉ làm suy giảm tính mô phạm, nhân văn và giá trị tốt đẹp của nhà trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc hình thành nhân cách và năng lực của học sinh – những công dân tương lai của đất nước. Mặc dù ngành giáo dục chịu trách nhiệm chính trong những vụ việc này, tuy nhiên, có thể thấy trách nhiệm giáo dục của gia đình cũng là nguyên nhân thúc đẩy các hiện tượng tiêu cực đó.
“Nóng” nhất và gây bức xúc nhất là những vụ việc mua bán, đổi chác điểm, gian lận thi cử ở nhiều cấp, trong đó, đỉnh điểm là việc mua bán, đổi chác điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 bị phát hiện ở một số tỉnh. Nhiều phụ huynh trong vụ án này đã chi trả số tiền lớn để nâng điểm cho con đỗ vào các trường hàng đầu, dù biết năng lực của con mình không đủ. Các em học sinh khi đến trường, được học về các phẩm chất chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018) nhưng ở nhà bố mẹ lại làm tấm gương xấu khi thay vì kèm cặp, giáo dục con trong quá trình học phổ thông, những bậc phụ huynh kể trên lại bất chấp pháp luật để lo lót cho con em mình, vô hình chung, đã giáo dục con em về tiền bạc có thể giải quyết mọi chuyện, góp phần làm hư hỏng nhân cách của con. Để rồi khi tốt nghiệp, do học lực yếu, các em này có thể lại bắt chước bố mẹ, quà cáp, tiền bạc chạy điểm thầy cô, quay cóp của bạn bè,… để từ đó góp phần làm trầm kha hơn căn bệnh tiêu cực trong môi trường học đường.
Bên cạnh đó, tình trạng bạo lực trong học đường, không chỉ giữa học sinh với nhau, mà giữa cả học sinh với giáo viên và phụ huynh với giáo viên đang trở nên trầm trọng. Có trường hợp, phụ huynh thấy con mình đánh bạn đến mức nhập viện nhưng không những không xin lỗi mà còn có lời lẽ xúc phạm gia đình nạn nhân (Anh, 2021). Có những vụ việc phụ huynh côn đồ xông vào lớp đánh cô giáo (Huân, 2021), thì cũng không khó hiểu khi nghe tới những trường hợp học sinh tát giáo viên chỉ vì bị tịch thu điện thoại (Trần & Nguyễn, 2021). Khi phụ huynh không làm gương cho con trẻ về việc tôn sư trọng đạo dẫn tới con trẻ cũng có những hành vi thiếu văn hóa với giáo viên là điều tất yếu xảy ra.
Thiếu vắng sự quan tâm giáo dục trong gia đình cũng là nguyên nhân dẫn đến việc học sinh dễ có những rối loạn, lệch lạc về tâm lý, có nguy cơ cao bạo lực, như vụ việc nữ sinh bị bạn học dùng mũ bảo hiểm đánh đập mới xảy ra ở Tây Ninh tháng 9 vừa qua, phần lớn các em học sinh tham gia vụ việc đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, một số em có cha mẹ ly hôn, đang sống chung với ông bà nên không có điều kiện theo sát kèm cặp, giáo dục (Trọng & Giang, 2021). Trẻ em trong các trường nội trú, cha mẹ không có điều kiện thường xuyên quan tâm, hỏi han tình hình, dễ trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục trong môi trường học đường (Ngọc Trang & Diệu Bình, 2019) (Châu Anh, 2018). Trong những gia đình có bạo lực hoặc thiếu vắng sự quan tâm của cha mẹ, học sinh dễ có nguy cơ phơi nhiễm trước những vấn nạn tiêu cực trong văn hóa học đường.
Ngược lại, những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường giáo dục tốt của gia đình, được dạy về lòng dũng cảm, dám bày tỏ chính kiến và đấu tranh cho điều đúng, sẽ có can đảm đứng lên tố cáo những tiêu cực còn tồn tại trong môi trường học đường, góp phần làm trong sạch và tiến bộ văn hóa học đường. Vụ việc cô giáo đến lớp và im lặng với học sinh trong suốt 3 tháng tại TP. Hồ Chí Minh (Ngô C. , 2021) là ví dụ. Câu hỏi đặt ra là: khác biệt giữa bạn học sinh dám lên tiếng và số đông còn lại là gì khi cùng nhận một nền giáo dục tại trường học? Câu trả lời có vẻ là sự khác biệt của giáo dục gia đình.
Bối cảnh xã hội mới với nhiều phức tạp nhưng nhiều cha mẹ thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng trong giáo dục con cái. Cha mẹ quá nuông chiều con hoặc quá nghiêm khắc với con đều không phải là cách giáo dục hiệu quả đối với việc hình thành nhân cách của con cái. Giáo dục văn hóa học đường hướng đến việc hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất và năng lực cần thiết, trong đó có tự chủ và trách nhiệm – đúng như yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Tuy nhiên, khi ở nhà, bố mẹ lại quá nuông chiều con cái, không yêu cầu con làm việc nhà, thậm chí làm bài tập về nhà hộ con. Hậu quả là con trẻ không hình thành được sự tự chủ của bản thân (Hiền, 2021).
Trong bối cảnh ngành giáo dục phải chuyển từ hình thức học trực tiếp truyền thống sang trực tuyến như một biện pháp ứng phó và thích nghi với COVID-19, giáo dục gia đình ngày càng đóng vai trò quan trọng. Học sinh gặp nhiều khó khăn trong sử dụng các công cụ học tập trực tuyến, việc dạy học thông qua hình thức trực tuyến cũng có những hạn chế nhất định đối với việc tiếp thu kiến thức của trẻ. Ngoài ra, việc thiếu tương tác với bạn bè, cả ngày dài ngồi trước màn hình để học cũng khiến trẻ có những căng thẳng, bất ổn tâm lý riêng. Vì thế cha mẹ càng phải quan tâm, hỏi han và giúp đỡ con khắc phục các vấn đề đang gặp phải. Bên cạnh đó, sự lan tràn thông tin thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội là thách thức đòi hỏi cha mẹ cần chú ý giáo dục, trang bị cho con “vaccine” - những kỹ năng phân biệt, ứng phó với các nguồn thông tin nhận được từ mạng xã hội. Tuy nhiên, sự lạc hậu về công nghệ khiến một bộ phận cha mẹ không thể kiểm soát và giáo dục con cái đảm bảo an toàn trên môi trường mạng.
Đại dịch COVID-19 cũng đặt ra thách thức đối với việc thực hiện chức năng giáo dục gia đình, đối với nhóm trẻ phải xa cách bố mẹ do thực hiện nhiệm vụ chống dịch, sản xuất ba tại chỗ,… và đặc biệt là nhóm trẻ mồ côi vì bố mẹ mất trong dịch. Theo thống kê, tính đến hết ngày 8/10, cả nước có 2.093 trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong đó, có 1.970 trẻ mất cha hoặc mẹ (Cổng thông tin Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 2021). Dù chưa có nghiên cứu tại Việt Nam, các nghiên cứu quốc tế cho thấy nhóm trẻ mồ côi không chỉ gặp khó khăn về chất lượng cuộc sống mà thường có kết quả học tập thấp hơn so với nhóm trẻ không mồ côi (Takashi, 2006) (Oyedele, Chikwature, & Manyange, 2016). Các yêu cầu về môi trường gia đình chăm sóc thay thế cho nhóm trẻ mồ côi vì thế cũng đang được quan tâm trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.
3. Vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong xây dựng và phát triển giáo dục gia đình
Xác định vai trò quan trọng của giáo dục gia đình, giáo dục làm cha mẹ đối với sự phát triển toàn diện của trẻ, Hội LHPN Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm hỗ trợ, cung cấp kiến thức, kỹ năng và giáo dục đời sống gia đình cho phụ nữ, trong đó chú trọng tác động tới nhận thức hướng tới cải thiện kỹ năng làm cha mẹ, thể hiện trên một số nội dung sau:
Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về giáo dục đời sống gia đình và các mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình, hỗ trợ vun đắp giá trị gia đình
Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” được các cấp Hội triển khai trong nhiều năm với các tiêu chí cụ thể, phù hợp, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Các cấp Hội đã lựa chọn vấn đề ưu tiên gắn với phong trào thi đua, cuộc vận động và chủ đề hoạt động hàng năm của Hội, những vấn đề bức xúc, nổi cộm tại địa phương, với nội dung thiết thực, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ và cộng đồng như: Giáo dục kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ; giáo dục trước hôn nhân; kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình; phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, phòng chống xâm hại, bảo vệ trẻ em, tư vấn học nghề và tạo việc làm…
Thông qua các hoạt động đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên và cộng đồng về vị trí, vai trò của gia đình, về kỹ năng sống, cách tổ chức cuộc sống gia đình và xây dựng mối quan hệ gia đình, bình đẳng giới trong gia đình; tăng cường hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc, phát triển bền vững, thực sự là tổ ấm của mỗi người. Trong 10 năm, các cấp Hội tổ chức được 709.533 cuộc truyền thông với 64.768.170 người tham dự; 227.675 cuộc thi, mittinh, hội nghị, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề với 8.267.809 người tham gia; Tổ chức 5.316.590 cuộc sinh hoạt chi/tổ hội có nội dung xây dựng gia đình. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 để lại nhiều tác động nặng nề đến đời sống xã hội, Hội đã triển khai Chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do dịch covid.
Xây dựng và phát triển các mô hình hiệu quả hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình; mô hình dịch vụ gia đình, dịch vụ xã hội hỗ trợ gia đình
Mô hình hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc luôn được quan tâm xây dựng, duy trì, nhân rộng. CLB xây dựng gia đình hạnh phúc, mô hình CLB xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng là những mô hình phổ biến do Hội Phụ nữ xây dựng và vận hành ở các địa phương, có ý nghĩa tích cực, là cầu nối truyền tải thông tin, giao lưu, chia sẻ vấn đề về giáo dục gia đình, chăm sóc, nuôi dạy con, kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc. Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 49 của TW Hội đánh giá, đã xây dựng được 18.239 CLB gia đình hạnh phúc, 18.602 mô hình CLB xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; 12.935 chi hội phụ nữ xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch với hàng triệu thành viên. Ngoài ra, một số mô hình cũng được các cấp Hội triển khai khá hiệu quả như Mô hình giáo dục kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ với sự tham gia của các ông bố, bà mẹ có con dưới 16 tuổi, như CLB “Người mẹ mẫu mực, bàn tay yêu thương của cha”, Nhóm cha mẹ có con từ 0-8 tuổi”, “Cha mẹ nuôi dạy con tốt”, “Ông bố có con tuổi vị thành niên”…
Bên cạnh đó, mô hình dịch vụ gia đình đáp ứng phần nào nhu cầu của gia đình và phụ nữ, giúp chị em yên tâm lao động, sản xuất và giúp phụ nữ nông thôn có việc làm tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình, như: 3.263 CLB nấu cỗ/1.5023 thành viên; 151 CLB đưa đón trẻ đi học/ 830 thành viên; 448 nhóm trẻ gia đình/2222 thành viên, 162 mô hình giúp việc gia đình/1263 thành viên. Các mô hình cũng là kênh hiệu quả giúp các cấp Hội cũng nắm tâm tư, nguyện vọng của chị em phụ nữ để kịp thời chia sẻ, động viên, giúp đỡ về vật chất, tinh thần, tạo điều kiện cho chị em trong xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững.
Tham mưu đề xuất các chương trình, đề án hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc
Hỗ trợ phụ nữ thông qua đề xuất, triển khai các chương trình, đề án là hướng hoạt động của Hội trong nhiều năm qua, vừa tạo cơ chế để các cấp Hội thực hiện hoạt động, vừa có nguồn lực để hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình. Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” đã được triển khai nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ, giúp cho các ông bố, bà mẹ có con dưới 16 tuổi. Sau 5 năm thực hiện đã có hơn 8,4 triệu bà mẹ và gần 3 triệu ông bố có con dưới 16 tuổi được tập huấn, trang bị kiến thức, thay đổi hành vi về phương pháp nuôi, dạy con khoa học; trên 3,7 triệu trẻ vị thành niên được tiếp cận các kiến thức về sức khỏe sinh sản, giáo dục kỹ năng sống, giao tiếp ứng xử, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, kỹ năng bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại, bạo lực học đường …
Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027” với các hình thức cung cấp kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, giáo dục tiền hôn nhân, nuôi dạy, chăm sóc trẻ em, thực hiện chính sách dân số… ngày càng thực chất.
Đề án “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững” tập trung nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng nhằm phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình, cung cấp nội dung giáo dục đời sống gia đình; xây dựng mô hình Góc tư vấn và chuyên mục thông tin điện tử về giáo dục đời sống gia đình, giáo dục trước hôn nhân, tư vấn tiền hôn nhân.
4. Khuyến nghị giải pháp và hàm ý chính sách
Có thể thấy rằng, giáo dục học đường không thể tách rời khỏi giáo dục gia đình. Trách nhiệm giáo dục con cái phải được bắt đầu từ gia đình và không một chính sách giáo dục nào có thể thay thế được sự chăm sóc, nuôi dưỡng của gia đình/cha mẹ đối với con cái. Gia đình - hạt nhân của xã hội, là nơi cung cấp giáo dục đầu đời cho mỗi cá nhân, tạo nền tảng cho việc tiếp nhận giáo dục học đường và giáo dục xã hội. Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư ngày 24/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới đã khẳng định “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình”. Chính vì vậy, để phát triển giáo dục văn hóa học đường, cần quan tâm xây dựng, vun đắp giá trị giáo dục gia đình với những giải pháp và hàm ý chính sách như sau:
a) Ở cấp độ thể chế, chính sách:
- Cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến gia đình, trẻ em, đảm bảo an toàn cho trẻ em thích ứng với bối cảnh công nghệ thông tin hiện nay; đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ gia đình thực hiện hiệu quả các chức năng của gia đình, trong đó có chức năng giáo dục, phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân gia đình, an toàn trên không gian mạng…
Tiếp tục cụ thể hóa Điều 60 của Hiến pháp 2013 về “xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ, hạnh phúc” và yêu cầu “Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, định hướng giá trị, giáo dục thế hệ trẻ” tại Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư về công tác gia đình.
- Quan tâm xây dựng các chương trình giáo dục quốc gia về gia đình, giáo dục làm cha mẹ: Quá trình xã hội hóa của trẻ bắt đầu từ môi trường gia đình. Cha mẹ chủ động dạy dỗ con cái học hỏi các kỹ năng xã hội và trẻ em cũng quan sát, bắt chước các hành vi của cha mẹ và các thành viên trong gia đình. Những khó khăn về phương pháp giáo dục, thiếu thời gian, không đủ kiến thức, môi trường xã hội phức tạp…khiến nhiều cha mẹ đã không thực hiện tốt vai trò giáo dục, hướng dẫn, noi gương của mình.
b) Xây dựng, triển khai một số giải pháp cụ thể:
- Đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình, giáo dục đời sống gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới. Đặc biệt, cần nhận thức đúng vai trò, vị trí của gia đình trong quá trình phát triển của đất nước. Chú trọng tuyên truyền những tấm gương người tốt, việc tốt; phê phán hành vi vi phạm pháp luật về gia đình; ngăn ngừa các thông tin và sản phẩm văn hóa độc hại, tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; coi trọng tuyên truyền, giáo dục xây dựng hình thành nhân cách người Việt Nam bắt đầu từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.
- Việc thiếu các thiết chế, dịch vụ hỗ trợ cha mẹ thực hiện các chức năng gia đình cũng là một rào cản khiến các bậc phụ huynh không có đủ thời gian và tinh lực để quan tâm đến việc giáo dục con em. Vì thế, cần quan tâm phát triển các dịch vụ, mô hình hỗ trợ cha mẹ chăm sóc và bảo vệ trẻ em tại cộng đồng.
Nhân rộng và tiếp tục duy trì, xây dựng các mô hình tốt, mô hình mới về phát triển gia đình hạnh phúc bền vững, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng trong gia đình. Tăng cường chia sẻ thông tin, bài học kinh nghiệm, các sáng kiến hay, mô hình hiệu quả về gia đình. Hiện nay, các đoàn thể xã hội và nhiều tổ chức đã xây dựng và vận hành các mô hình hỗ trợ gia đình phát huy các chức năng gia đình, như Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình 5 Không 3 sạch,.. của Hội Phụ nữ. Đây là những mô hình đã chứng minh được hiệu quả trong việc huy động sự tham gia của nam giới trong xây dựng gia đình, hỗ trợ nữ giới trong thực hiện các chức năng gia đình.
Quan tâm, hỗ trợ mô hình gia đình thay thế chăm sóc trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa, đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, thực thi đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này, nhất là trong đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật về gia đình; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về gia đình; chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam…
- Các cơ quan Quốc hội, đại biểu Quốc hội thường xuyên giám sát để đảm bảo thực thi nghiêm túc chính sách, pháp luật về gia đình
- Phát động, triển khai các phong trào về phòng, chống tiêu cực trong môi trường học đường, học thật, thi thật với sự tham gia của nhà trường – gia đình – xã hội, trong đó nêu cao phẩm chất trung thực, làm gương của cha mẹ đối với con cái. Sự suy thoái trong nhà trường nói riêng và xã hội nói chung hiện nay, về gốc rễ, là do sự suy thoái trong đạo đức con người, đặc biệt là những phẩm chất về sự trung thực, thật thà. Vì thế, việc đẩy mạnh phong trào về phòng chống tiêu cực, tôn vinh sự trung thực trong giáo dục nói riêng và đời sống xã hội nói chung là cần thiết để tăng cường chất lượng đào tạo, nâng cao đạo đức xã hội, phẩm giá của thế hệ tương lai và tiền đồ của đất nước.
Cũng cần nói thêm về việc chương trình đào tạo hiện nay quá tải về kiến thức cũng như những tiêu chuẩn mang tính phiến diện, “bề ngoài” của xã hội trong đánh giá kết quả học tập đã khiến việc học tập – thi cử hiện nay thiếu tính thực chất, đôi khi buộc gia đình, giáo viên và học sinh “nhắm mắt đưa chân”. Vì thế, cần nêu cao tinh thần học thật – thi thật – đánh giá thật trong môi trường học đường để xóa bỏ những áp lực gây tiêu cực này.
- Tăng cường hiệu quả phối hợp giáo dục trẻ giữa nhà trường và gia đình thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội. Các mô hình trên thế giới đều cho thấy sự tham gia của gia đình vào trong hoạt động giáo dục tại trường giúp tăng hiệu quả tiếp thu kiến thức, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục nhân cách và kiến thức của học sinh. Vì thế, cần thường xuyên có sự trao đổi thông tin về tình trạng của học sinh từ cả hai phía gia đình và nhà trường, có sự phối hợp lẫn nhau trong rèn giũa, điều chỉnh hành vi của học sinh. Đồng thời, gia đình cũng cần tham gia mạnh mẽ hơn trong việc giám sát, phát hiện những hạn chế còn tồn tại trong văn hóa học đường để nhà trường có sự thay đổi tích cực.
Cổng thông tin điện tử Hội LHPN Việt Nam