Cứ "rượu vào là đánh, chửi"
Hơn 20 năm làm vợ, làm mẹ, ký ức cuộc sống hôn nhân của chị T là những khó khăn, vất vả và những trận đòn từ người chồng thường xuyên say xỉn. Cuộc sống nông thôn vốn vất vả với những lo toan về kinh tế lại càng trở nên khó khăn hơn khi người phụ nữ này cố gắng sinh bằng được con trai để "nối dõi tông đường" cho gia đình chồng.
Trải qua 8 lần sinh con, nhưng mỗi đứa con ra đời lại khiến người chồng thất vọng bởi không như mong muốn. Bình thường, chồng chị cũng chăm chỉ làm ruộng và chỉ đánh, chửi vợ khi say. Đáng tiếc là những cơn say lại cứ nối dài triền miên, "1 ngày tỉnh, 3 ngày say. Cứ rượu vào là đánh vợ, chửi con. Ông ấy lôi chuyện tôi không đẻ được con trai ra để đay nghiến" - chị T rơm rớm nước mắt.
Gia cảnh bất hoà, kinh tế khó khăn, mọi nỗi lo toan đều dồn lên đôi vai người phụ nữ nhỏ bé này. Xung quanh hàng xóm giàu có, nhà chị nghèo nhất làng. Con đông, nuôi ăn đã khó nhưng các con đều ham học nên lại càng thêm khó. "Làm được đồng mô chi phí nuôi con hết, chồng lại càng bức xúc. Ông ấy luôn căn vặn: mày bỏ tiền đi mô hết mà không thấy đồng nào? Làm mà không có đồng nào đi làm làm chi? Nói xong đập vợ rồi bỏ đi uống rượu”.
Đi uống rượu về say, người đáng lẽ là trụ cột của gia đình lại lè nhè chửi vợ suốt đêm, chửi chán thì đánh. Đánh chửi vợ chưa đủ, người đàn ông này quay sang đánh luôn cả con và chửi "đẻ chúng bay làm tao khổ”… Cuộc sống cùng cực, tủi thân nên nhiều khi chị T có ý nghĩ tiêu cực.
Tương tự, chị H, 56 tuổi ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, cũng là nạn nhân của "ma men". Chị H cho biết, chồng chị bị bệnh từ ngày nhỏ, đến lúc 19 tuổi thì lấy nhau. Mình ở xa không biết ông ấy ốm yếu bệnh tật, lấy về mới biết thì ông ấy ốm lăn ốm lóc nên phải cắt thuốc ngâm rượu uống để chữa bệnh. "Uống mãi thành nghiện, ông ấy uống vào lại lải nhải chửi vợ, chửi con rồi đánh vợ" - lời chị H.
"Vợ sai thì phải đánh"
Chị N, 42 tuổi ở Văn Chấn, Yên Bái, trải qua 2 lần đò dang dở, đến với người chồng thứ 3 thì cuộc đời, số phận của chị cũng chưa thay đổi bởi chị vẫn trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Người chồng đầu tiên của chị N, đã qua đời, nhưng khi còn sống cũng thường xuyên đánh vợ. Đến người chồng thứ 2, những tưởng chị N, được bù đắp cho những mất mát thì cuộc sống hôn nhân cũng không êm đềm khi chị thường xuyên bị bạo hành. Không chịu được những trận đòn, chị N, đã chọn giải pháp từ bỏ người chồng này.
Nhưng đến lần thứ 3, người chồng hơn chị 6 tuổi lại có tính cách vừa gia trưởng, vừa vũ phu khi nắm hết kinh tế trong nhà. "Tiền làm công trình ông ấy làm được thì đều tự cầm hết, đã thế lại thường xuyên cờ bạc, gái gú. Mình tôi phải lo cho 2 con riêng của mình và con chung với chồng từ công việc phụ hồ. Đã thế gia đình chả lúc nào êm ấm, ông ấy thường xuyên đánh vợ", chị N cho biết.
D, 22 tuổi ở Quỳnh Lưu, Nghệ An lấy, chồng có một đời vợ, ngày lấy chồng D, không được mặc váy cưới lên xe hoa như chúng bạn bởi chồng "đã qua một lần đổ vỡ, không muốn làm rùm beng". Đã vậy, trải qua 4 năm chung sống, những ngày tháng ngọt ngào D, được hưởng không nhiều mà là các trận đòn bất thình lình từ chồng: Trời mưa, ở nhà D chưa kịp chạy lúa phơi ở sân về chồng cũng đánh; khi chồng nổi giận chửi, D lặng thinh không nói cũng bị "hạ cẳng tay".
Ông Hồ Diên Cảnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu chia sẻ:
Hiện còn nhiều quan niệm sai về bạo lực gia đình
Chồng D bày tỏ: "Vợ chồng không tránh khỏi va chạm nhỏ, áp lực cuộc sống khiến em không kiềm chế được, cũng có tát vợ. Nhưng khi em nói vợ cứ im, em cảm giác lời nói của mình bị coi thường. Mình nói vợ không tiếp thu, không có sự thay đổi nên người em nổi cáu. Vợ chồng va chạm chồng tát vợ 1 cái là bình thường".
Chính vì nhiều người có suy nghĩ "chồng tát vợ 1 cái là bình thường nên đã xảy ra nhiều vụ bạo lực gia đình từ những lý do rất nhỏ. Ông Hồ Diên Cảnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, thành viên đội Phản ứng nhanh hỗ trợ bạo lực gia đình trong khuôn khổ Dự án Hagar hỗ trợ phòng chống bạo lực tai xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cho biết: "Quá trình hỗ trợ chị em chia sẻ tâm tư tình cảm, góc khuất trong cuộc sống đã cho thấy còn nhiều quan niệm sai về bạo lực gia đình, thậm chí nhiều người không hiểu hành vi đó là bạo lực. Có người chồng đánh vợ nhưng không cho vợ được kêu. Ngay cả người thân của anh này cũng không có trách nhiệm. Cha mẹ đẻ anh ta cho rằng "sai thì phải đánh cần gì chính quyền cũng như tổ chức liên quan đến can thiệp".
Ông Lê Xuân Đồng, điều phối viên Dự án Hagar chia sẻ: "Chúng tôi hiểu sâu sắc rằng hành vi bạo lực gia đình do nam giới gây ra bắt nguồn từ nhận thức của chính người trong cuộc. Nhiều người gây ra hành vi bạo lực nhưng vẫn không hề mình đánh vợ là hành vi sai trái, số ít biết là sai nhưng không biết vi phạm luật nào. Họ nói rằng từ khi sinh ra đã chứng kiến tình trạng bạo lực trong gia đình mà người phụ nữ là nạn nhân. Thậm chí, họ cũng chính là nạn nhân của bạo lực gia đình từ người lớn nên đã lặp lại các hành vi đó.
Còn với nạn nhân bị bạo lực thì có nhiều người bị bào hành suốt 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm mà cam chịu, không lên tiếng. "Thống kê cho thấy, có đến 90% người bị bạo lực không tìm kiếm sự trợ giúp. Nạn nhân không nói ra vì thấy không an toàn, sợ về lại bị bạo lực nhiều hơn. Họ nghĩ đó là chuyện trong gia đình, không biết chia sẻ với ai, không biết tìm đến ai. Thậm chí có người đi tìm hỗ trợ nhưng đã không nhận được sự hỗ trợ phù hợp và còn bị đổ lỗi...".
Tên các nhân vật đã được thay đổi.
Nguồn Báo Pháp luật và xã hội