Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. Người chỉ rõ: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, gái, trai; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mọi mặt trận”. Và theo Người, thi đua không chỉ làm tăng động lực của người lao động, phát huy năng lực sáng tạo trong quá trình học tập, nghiên cứu, phát triển sản xuất, mà thi đua còn có ý nghĩa thể hiện sức mạnh của tinh thần yêu nước, là động cơ phấn đấu thường xuyên, liên tục của mỗi cá nhân và tập thể trong mọi hoạt động để hướng tới mục tiêu đề ra.
Hợp tác xã sản xuất tinh bột nghệ, tinh bột sắn dây. Ảnh V. Giang
Thấm nhuần lời kêu gọi của Bác, các thế hệ phụ nữ Nghệ An đã hăng hái thực hiện các phong trào thi đua với tất cả lòng nhiệt huyết, đóng góp công sức, trí tuệ, của cải và trách nhiệm tạo nên sức mạnh của sự đoàn kết, sức mạnh của lòng yêu nước để khắc phục mọi khó khăn, thách thức, gặt hái thành công của phong trào. Lịch sử đã viết lên những phong trào lớn của các thế hệ phụ nữ trên các mặt trận. Thời kháng chiến với phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”; thời bình với các phong trào "Người Phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", "Giỏi việc nước, đảm việc nhà, phấn đấu thực hiện nam nữ bình đẳng"… Ngày nay, các tầng lớp phụ nữ đang thi đua thực hiện phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; “Phụ nữ xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...
Hội phụ nữ huyện Kỳ Sơn tổ chức lớp xóa mù cho chị em xã Mỹ Lý. Ảnh Vương Giang
Đối với phụ nữ nông thôn vượt qua khó khăn của thời tiết, dịch bệnh, chủ động sản xuất, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ KHKT; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế. Phụ nữ trên lĩnh vực thương mại, kinh doanh dịch vụ, ứng dụng công nghệ mới nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng kinh doanh, dịch vụ, coi trọng chữ tín, tạo việc làm cho nhiều lao động, vừa làm tốt công tác xã hội. Phụ nữ trong lực lượng vũ trang và nữ CNVC đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, năng động sáng tạo, phát huy sáng kiến, tích cực tiếp cận và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thực hiện phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, các tầng lớp phụ nữ không ngừng học tập, nâng cao trình độ, sự hiểu biết mọi mặt của cuộc sống, xây dựng người phụ nữ Nghệ An năng động, sáng tạo, có sức khoẻ, có trí thức, có trách nhiệm với cộng đồng. Đến nay, 100% cán bộ Hội cấp Tỉnh có trình độ đại học và trên đại học; 100% chủ tịch, phó chủ tịch Hội phụ nữ các huyện, thành, thị và cơ sở đã đạt chuẩn chức danh theo quy định.
Việc thực hiện phong trào thi đua gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành hoạt động nổi bật. Trong đó học Bác về tình yêu thương con người, các cấp Hội đã có nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện, quyên góp giúp đỡ phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Các mô hình như: “Mái ấm tình thương”, “Hũ tiền tiết kiệm”, “Biến rác thải thành thẻ bảo hiểm y tế, thành con giống, thành sổ tiết kiệm”. Học Bác về xây dựng tác phong, lề lối làm việc, các cấp Hội xây dựng các mô hình ý nghĩa: xây dựng tác phong làm việc của cán bộ Hội theo các tiêu chí “3 đúng, 4 có, 5 phải”, “Cán bộ Hội trách nhiệm”, “Cán bộ Hội gương mẫu”; “Nhật ký thăm hộ”.
Hội PN thị xã Hoàng Mai trao tặng mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo. ảnh. N. Vân
Thực hiện phong trào gắn với cuộc vận động “Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các cấp Hội đã có 1.928 công trình/phần việc đăng ký với cấp ủy, huy động sự chung tay của đông đảo hội viên phụ nữ thực hiện; hiến 4.975.016m2 đất, đóng góp 4.062.604 ngày công, huy động được 4.303.5 tỷ đồng, làm 58,9 km đường giao thông, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Nét mới, có tính đột phá, tạo động lực thúc đẩy các phong trào, hoạt động là phong trào “Phụ nữ khởi nghiệp”. Hàng năm“Ngày phụ nữ khởi nghiệp” các cấp Hội thi đua hưởng ứng với hàng trăm ý tưởng, kế hoạch kinh doanh. Các cấp Hội đã vận động sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp giúp cho phụ nữ hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; tổ chức gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm; kết nối và tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp của hội viên phụ nữ trên địa bàn. Đã có nhiều mô hình kinh tế thành công, khẳng định sự chủ động, năng động của phụ nữ.
Phong trào“Dân vận khéo” được cụ thể hoá bằng nhiều mô hình hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng, thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia, góp phần tập hợp, tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo tự thiện, công tác xã hội thu hút sự tham gia tích cực của cán bộ, hội viên, phụ nữ trở thành hoạt động có tính truyền thống, nổi bật trong các cấp Hội. Thông qua phong trào, tạo thành sức mạnh của sự đoàn kết, gắn bó, sự sẻ chia của cộng đồng, với các mô hình ý nghĩa như: "Mái ấm tình thương", “Bát cháo tình thương”, “Bánh chưng Ngày tết”, “Chăn ấm mùa đông” "Nhận con nuôi"… Tính đến nửa nhiệm kỳ, các cấp Hội đã vận động quyên góp hỗ trợ xây mới được 250 mái ấm tình thương, trị giá 5 tỷ đồng; sửa chữa 205 mái ấm với tổng số tiền trên 1,3 tỷ đồng; vận động, quyên góp, hỗ trợ phụ nữ nghèo, bệnh tật, neo đơn hàng chục tỷ đồng.
Đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các tầng lớp phụ nữ đã chủ động đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh bằng tình yêu thương, sẻ chia và trách nhiệm. Bằng những việc làm cụ thể từ tuyên truyền, vận động phụ nữ và nhân dân tuân thủ những quy định phòng chống dịch; tuyên truyền tiêu độc, khử trùng, rửa tay bằng xà phòng; ăn uống, thể dục để tăng sức đề kháng; đến những nghĩa cử cao đẹp, quyên góp, hỗ trợ ngày công, hỗ trợ tiền, lương thực, thực phẩm... Mỗi người một việc, làm nên bức tranh nhiều màu sắc ấm áp tình thương yêu của sự đoàn kết, thống nhất, đẩy lùi dịch bệnh. Tính đến giữa tháng 4/2020, các cấp Hội đã phát động và quyên góp hàng trăn ngàn khẩu trang, hàng chục ngàn bánh xà phòng, nước sát khuẩn, hàng trăn tấn lượng thực, thực phẩm, hàng tỷ đồng tiền mặt phòng chống dịch bệnh.
Hội LHPN tỉnh trao số tiền ủng hộ quỹ phòng chống dịch Covid - 19. Ảnh vương Giang
Phong trào thi đua trong các cấp Hội đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ. Với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với mọi tầng lớp phụ nữ; xây dựng được nhiều mô hình có ý nghĩa. Phong trào đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, thực hiện phong trào có trọng tâm, trọng điểm, có chiều rộng lan toả, có chiều sâu bền vững, có tính thực tiễn, gắn với cuộc sống.
Kết quả là toàn tỉnh đã có 1.859 tập thể, cá nhân phụ nữ đã được Đảng, Nhà nước, Hội LHPN Việt Nam, UBND tỉnh và các Bộ ngành TW trao tặng các phần thưởng và danh hiệu thi đua cao quý. Hội LHPN tỉnh 2 lần được Thủ tướng chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc và Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì lần 3.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực hiện phong trào thi đua trong các cấp Hội còn một số tồn tại, hạn chế. Có nhiều phong trào tự phát. Nên nguồn lực bị phân tán, một số phong trào không nổi bật. Một số phong trào phát động còn nặng hình thức, chưa thật sự phù hợp với thực tiễn. Việc triển khai thực hiện phong trào có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức, và có các giải pháp phù hợp để duy trì nên phong trào lắng xuống. Việc xây dựng điển hình để làm nòng cốt phong trào chưa thật sự được quan tâm, chưa có những kết quả nổi bật, rõ nét. Việc tổng kết, đánh giá, khen thưởng, rút kinh nghiệm có lúc chưa kịp thời.
Thời gian tới, việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua cần có những giải pháp cụ thể:
- Phát động phong trào thi đua phải gắn với mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, sự nghiệp cách mạng của Đảng; Phong trào phải đi vào chiều sâu, có tính thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ. Tránh khoa trương, hình thức, phát động thì rầm rộ, sau lắng dần.
- Triển khai phong trào phải làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích, vận động mọi người hưởng ứng; cổ vũ lòng yêu nước, sự quyết tâm giành thắng lợi của phong trào.
- Thực hiện phong trào cần có các giải pháp phù hợp với từng vùng miền, từng tầng lớp phụ nữ, với những hoạt động cụ thể, sáng tạo, linh hoạt.
- Cán bộ tổ chức phải đi sâu, đi sát phong trào, kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn. Phải xây dựng, phát hiện được những cá nhân, tập thể điển hình, đặc biệt chú ý phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của người lãnh đạo, người đứng đầu.
- Thi đua phải đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, tổng kết. Mỗi phong trào thi đua, dù ngắn hay dài, đều phải động viên, khen thưởng kịp thời, đồng thời phải tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để phong trào thi đua đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn.
Hoàng Thị Thu Hiền
PCT Thường trực Hội LHPN tỉnh