(PNNA) Công tác tập hợp, thu hút hội viên phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia vào tổ chức Hội luôn được xem là một trong những nhiệm vụ then chốt trong việc xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh. Vì vậy, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh tích cực đổi mới nội dung, hình thức, hướng hoạt động về các cơ sở đặc thù nên đã thu hút được 12.582 hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số, chiếm gần 68% trong tổng số hội viên phụ nữ thiểu số toàn tỉnh tham gia và gắn kết với tổ chức Hội. Trong đó, điển hình là mô hình “Cơ sở Hội vùng dân tộc thiểu số“ tại xã Lượng Minh huyện Tương Dương do Hội LHPN tỉnh chỉ đạo điểm.
Xã Lượng Minh, huyện Tương Dương với đặc thù đa phần đồng bào Khơ Mú sinh sống và phụ nữ ít khi tham gia các hoạt động xã hội. Chính vì vậy, việc triển khai các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, phong trào phụ nữ ở đây từng gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ tập hợp hội viên thấp. Trước thực trạng đó, được sự hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN huyện Tương Dương đã chỉ đạo Hội LHPN xã Lượng Minh xây dựng mô hình “Cơ sở Hội vùng dân tộc thiểu số”. Ngay từ những buổi đầu thành lập, mô hình thu hút 60 hội viên phụ nữ tham gia. Tại buổi lễ ra mắt, các thành viên đã bầu ra Ban chủ nhiệm gồm 03 chị, đề ra quy chế hoạt động của mô hình. Để thu hút hội viên, phụ nữ tham gia, Hội LHPN xã và Ban Chủ nhiệm mô hình thảo luận, bàn bạc, thống nhất xây dựng kế hoạch hàng tháng, hàng quý cụ thể với nhiều nội dung thiết thực, phù hợp, trong đó xác định: tổ chức các buổi sinh hoạt nhằm cung cấp kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan; phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống mua bán người; phòng chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; cung cấp kiến thức về phát triển kinh tế hộ gia đình, chăn nuôi, trồng trọt; hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao…; thăm hỏi động viên các gia đình khó khăn nhân dịp lễ, tết...

Chương tình văn nghệ tại buổi tổng kết
Thấy được lợi ích thiết thực, nhiều chị em đã đăng ký tham gia. Đến nay, số lượng thành viên mô hình đã tăng lên với 90 chị. Nhiều chị em đi đầu trong thực hiện các cuộc vận động. Đặc biệt, cuối tháng 8/2018 trên địa bàn huyện Tương Dương mưa to trên diện rộng, nước đầu nguồn đổ đột ngột, các khe suối nước dâng nhanh, mạnh. Nhà máy thủy điện bản Vẽ và bản Ang buộc phải xả lũ khiến cho Quốc lộ 7 bị sạt lở nhiều đoạn và một số bản tại các xã, ảnh hưởng nặng nề đến tài sản, nhà cửa của người dân trên địa bàn xã Lượng Minh. Trước tình hình đó, Hội LHPN xã và Ban Chủ nhiệm mô hình đã kịp thời bám địa bàn động viên bà con dân bản nhằm ổn định tinh thần, tư tưởng; tin tưởng vào sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể trong việc ứng phó, khắc phục tình hình lũ lụt xảy ra trên địa bàn. Hội LHPN huyện và Hội LHPN xã Lượng Minh huy động hơn 300 hội viên giúp đỡ các hộ gia đình 600 ngày công, thăm hỏi động viên hỗ trợ 40 hộ gia đình hội viên bị thiệt hại nặng với số tiền 2.500.000đ.
Sau 2 năm triển khai mô hình có 100% cán bộ, 90% hội viên phụ nữ được tuyên truyền phổ biến các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Điều lệ và Nghị quyết Đại hội Đại biểu phụ nữ các cấp. Có 865/1.094 hộ gia đình hội viên thực hiện các tiêu chí cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, trong đó năm 2018, có 327 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí. Các chi hội đã có nhiều hình thức giúp đỡ hội viên nghèo, trong đó 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được Hội giúp đỡ; có 01 hộ gia đình phụ nữ nghèo được Hội giúp đỡ thoát nghèo năm 2018. Tỷ lệ thu hút hội viên tăng nhanh theo từng năm, năm 2018 tăng 175 hội viên so với năm 2016. Hội LHPN tỉnh tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm mô hình và bàn giao mô hình cho Hội LHPN huyện Tương Dương tiếp tục duy trì, nhân rộng.
Toàn cảnh Hội nghị tổng kết
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình “Cơ sở Hội vùng dân tộc thiểu số” của đồng bào dân tộc Khơ Mú xã Lượng Minh, Hội LHPN huyện tổ chức nhân rộng mô hình tại xã Nga My, Yên Na, Tam Hợp. Qua tổ chức các hoạt động đã tập hợp, thu hút hội viên cao tuổi, thanh niên tham gia sinh hoạt Hội đạt 80%/tổng số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn xã.
Có thể nói, tập hợp, thu hút hội viên phụ nữ vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số tham gia tổ chức Hội gặp nhiều khó khăn nhưng bằng sự nỗ lực, sáng tạo, chủ động, Hội LHPN tỉnh đã thực hiện phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có tổ chức Hội” một cách linh hoạt, phù hợp với từng địa bàn. Với những kết quả đã đạt được từ Mô hình, trong thời gian tới Hội LHPN tỉnh sẽ chỉ đạo, nhân diện Mô hình tại các huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhằm thu hút phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia vào tổ chức Hội ngày càng tăng, để Hội Phụ nữ xứng đáng là địa chỉ tin cậy, là nơi để chị em gắn kết và khẳng định bản thân, đó cũng chính là tiền đề để duy trì và phát triển tổ chức Hội vững mạnh.
Phạm Cẩm
|