Hơn 300 hội viên phụ nữ tham gia đối thoại chính sách về di cư an toàn và phòng, chống mua bán người
Chiều ngày 26/4/2022, Hội LHPN tỉnh Nghệ An phối hợp Hội LHPN huyện Tương Dương tổ chức Chương trình đối thoại chính sách về di cư an toàn và phòng chống mua bán người tại xã Xá Lượng với sự tham gia của hơn 300 cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân xã Xá Lượng và Lượng Minh.
Hội LHPN huyện Tương Dương phối hợp với các ngành giải đáp thắc mắc của hội viên
Hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại (TMVS) do Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) - Cơ quan Di cư của Liên hợp quốc triển khai, dưới sự tài trợ của Vương quốc Anh.
Tại đây, người dân được nghe truyền thông về di cư an toàn và phòng chống mua bán người, trong đó nhấn mạnh về thực trạng việc di cư và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người trên địa bàn huyện cũng như trong tỉnh, các âm mưu, thủ đoạn mới mà các đối tượng đang sử dụng hiện nay để thực hiện hành vi phạm tội. Tiếp đó, các chị em hội viên phụ nữ, nhân dân các bản được giao lưu, trao đổi, chia sẻ cởi mở những vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình khi di cư lao động không địa chỉ, những hệ lụy của nạn nhân mua bán người và những thắc mắc về chế độ, chính sách, nguồn vốn ưu đãi cho hội viên, người dân vùng dân tộc thiểu số học nghề, đi lao động trong và ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động, chính sách hỗ trợ nạn nhân của tội phạm mua bán người tái hòa nhập cộng đồng.
Toàn cảnh buổi đối thoại
Những câu hỏi, chia sẻ của hội viên, được đại diện các ngành Lao động Thương binh & Xã hội, Tư Pháp, Ngân hàng CSXH, Công an, Hội LHPN,… trao đổi và giải đáp. Các nội dung chú trọng nhấn mạnh vấn đề về những phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người; các biện pháp phòng ngừa, xử lý khi phát hiện đối tượng có dấu hiệu liên quan đến tội phạm mua bán người, thủ tục, trình tự xác minh và bảo vệ nạn nhân bị mua bán trở về cũng như các chế độ, chính sách hỗ trợ; chính sách về di cư lao động, di cư lao động nước ngoài; quy định của pháp luật về đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, những hệ quả của hành vi kết hôn giả tạo, lợi dụng kết hôn có yếu tố nước ngoài để nhằm mục đích trục lợi…
Hội viên phụ nữ đặt câu hỏi tại buổi đối thoại
Đặc biệt hơn, tại buổi đối thoại, Ban tổ chức đã mời 03 hội viên phụ nữ đã từng di cư trở về đến để trao đổi, chia sẻ về câu chuyện di cư của mình, từ đó rút ra được những kinh nghiệm cho chị em phụ nữ đang có ý định đi lao động nước ngoài.
Đây là một hoạt động hết sức ý nghĩa, nhất là tại thời điểm dịch bệnh đang dần có dấu hiệu ổn định hơn, nhu cầu tìm kiếm việc làm của chị em phụ nữ nói riêng cũng như người lao động nói chung đang ngày càng tăng, các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm mà chương trình mang lại sẽ trở thành cuốn cẩm nang cho chị em khi đi lao động ra khỏi địa bàn, đồng thời cũng giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước nắm rõ tình hình thực tế tại địa phương để có những biện pháp thích hợp trong việc quản lý nhà nước đối với những lĩnh vực này.
May Huyền, Bích Diệp