Dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài đã khiến tình trạng buôn bán người trở nên phức tạp. Dưới tác động của đại dịch, nhiều người rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương (thất nghiệp, bạo lực gia đình,..) Thêm vào đó, việc ứng dụng công nghệ được mở rộng trên toàn cầu. Điều này vô tình tạo cơ hội cho nạn buôn người bùng phát trên các trang mạng xã hội.
Khi tội ác biến công nghệ thành công cụ
Việt Nam có tỷ lệ dân số sử dụng mạng Internet rất cao. Theo thống kê đầu năm 2022, Việt Nam có gần 77 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm hơn 78 % dân số. Khi đại dịch bùng phát, thời gian giãn cách xã hội kéo dài khiến nhu cầu sử dụng mạng Internet tăng cao rõ rệt. So với năm 2021, số người sử dụng mạng Internet tại Việt Nam đã tăng thêm 5 triệu người vào năm 2022.
Trong gần 80 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam có tới 97,6 % người đang sử dụng Facebook. Điểm đặc biệt là tỷ lệ phụ nữ đang dùng trang mạng xã hội này chiếm 90,95 %.
Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: “Đây vừa là cơ hội cho phụ nữ tiếp cận thông tin nâng cao kiến thức, kỹ năng nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ trở thành nạn nhân của nhiều loại hình tội phạm. Trong đó có tội phạm mua bán người nếu không được trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng thông tin Internet và mạng xã hội một cách an toàn”.
Hình ảnh bàn giao phụ nữ bị mua bán trở về địa phương
Công nghệ thông tin đã và đang phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên khắp thế giới. Tuy nhiên, Internet và công nghệ số cũng có những tác động trực tiếp đến tội phạm mua bán người cũng như công tác phòng, chống mua bán người.
Tội phạm mua bán người đã lợi dụng triệt để, biến công nghệ thành công cụ lừa bán người một cách nhanh chóng hơn, tiết kiệm chi phí và khó bị phát hiện hơn.
Thông qua các trang mạng xã hội, trang web đen và nền tảng nhắn tin, hẹn hò, đối tượng buôn bán người có thể tiếp cận nạn nhân, khai thác thông tin của nạn nhân mà vẫn bảo vệ được danh tính của kẻ phạm tội. Khi đã xác định được mục tiêu, chúng thường bắt đầu kết nối với nạn nhân bằng cách gửi lời mời kết bạn, bình luận hoặc bày tỏ cảm xúc ở bài đăng của nạn nhân rồi tìm cách lừa gặp và thực hiện hành vi phạm tội.
Tội phạm buôn người trên mạng khó xử lý hơn
Đại tá Tô Cao Lanh - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an cho biết, công tác điều tra phát hiện, xử lý buôn người qua mạng Internet cũng gặp một số khó khăn nhất định.
“Thứ nhất, các đối tượng sử dụng các ứng dụng liên lạc trực tuyến để tiếp xúc, dụ dỗ nạn nhân thay vì gặp mặt trực tiếp như phương pháp truyền thống. Do đó chứng cứ mà người dân cung cấp cho cơ quan điều tra cũng khó xác minh.
Thứ hai, khi nạn nhân không gặp đối tượng trực tiếp thì không thể nhận diện hay nhận dạng đặc điểm của đối tượng được.
Thứ ba, nạn nhân cũng không thể cung cấp cho cơ quan điều tra các chứng cứ vật chất, gây khó khăn trong khâu thu thập chứng cứ” – Đại tá Tô Cao Lanh phân tích.
Vì sao dịch bệnh khiến nạn buôn người gia tăng trên mạng xã hội?
Những tác động tiêu cực của hậu dịch bệnh, nhất là vấn đề về lao động là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến nạn buôn bán người có nguy cơ bùng phát.
Trong thời gian dịch bệnh bùng phát, toàn xã hội thực hiện giãn cách, nhiều lao động mất việc làm, mất thu nhập. Nên ngay sau khi mở cửa lại nền kinh tế, nhu cầu tìm kiếm việc làm để ổn định đời sống của nhân dân tăng cao. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để tội phạm buôn người lợi dụng, lừa gạt, dụ dỗ nạn nhân để mua bán.
Cuộc sống trong đại dịch cũng đặc biệt khiến nhiều trẻ em không được giám sát và bảo vệ trên không gian số.
Lạm dụng những lỗ hổng trong năng lực công nghệ số của cả trẻ em và người lớn, đối tượng mua bán người dùng mạng xã hội như một công cụ chính dụ dỗ những người dễ bị tổn thương bằng những cơ hội việc làm, những lời hứa hẹn,… rồi đẩy họ vào cảnh lao động cưỡng bức và nô lệ tình dục.
Với tỷ lệ dân số sử dụng mạng Internet cao, giống như với nhiều quốc gia khác Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ gia tăng nạn buôn người trên mạng xã hội.
Thứ trưởng Công an Nguyễn Duy Ngọc nhận định: “Trong thời gian tới, tình hình tội phạm mua bán người trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng sẽ còn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, xung đột vũ trang, bất ổn chính trị của một số quốc gia, tác động của thiên tai, dịch bệnh và chính sách mở cửa hội nhập toàn cầu sẽ thúc đẩy di cư. Đây là cơ hội cho những hoạt động mua bán người trái phép”.
Nguồn: VOV