Rau xanh là loại thực phẩm thiết yếu không thể thiếu trong mỗi bữa ăn, thế nhưng tình trạng sản xuất rau xanh hiện nay đang ở mức báo động. Theo thống kê gần đây, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, hàng năm có hàng nghìn người ngộ độc thực phẩm. Có hàng trăm nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó, các loại rau, củ, quả với dư lượng hóa chất vượt mức cho phép là một tác nhân ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Để tăng thêm lợi nhuận, nhiều người dân đã "hào phóng" bón đạm nitrat, phun thuốc trừ sâu lên rau trước khi thu hoạch.
Ảnh minh họa. Nguồn: Intrenet
Để tìm hiểu thực hư về thực trạng này, chúng tôi thực hiện một cuộc "vi hành" tại các xã, những khu vực trồng rau xanh để tận mắt chứng kiến rau, củ, quả được trồng, bón phân như thế nào? Không khỏi ngạc nhiên, trên những thửa rau xanh ngát, người sản xuất chủ yếu là phụ nữ vẫn miệt mài, chăm bón cho sản phẩm của mình. Thế nhưng đi một vòng, chúng tôi rùng mình khi biết rằng chị em sản xuất rau củ theo kiểu siêu lợi nhuận. Chỉ cần sử dụng viên ProGibb T98, xuất xứ từ Mỹ, có ghi thành phần hoạt chất là Gibberellic acid 1g 96% hoà vào nước và tưới cho rau, rau sẽ khỏe "chịu thiên tai" hơn rau bình thường. Nhất là vào mùa đông có nhiều sương muối rau khó lên và thường là rau xấu thì lượng sử dụng hoá chất càng tăng. Tuy nhiên, khi sử dụng, chị em còn "chịu khó" tìm hiểu thị trường rau đắt hay rẻ. Nếu rẻ họ không phun để kìm rau lại, bởi nếu đã phun, sau 3 ngày mà không thu hoạch kịp thì phần ngọn sẽ cuốn lại (còn gọi là von) rau sẽ không bán được. Ngược lại, nếu rau đắt người trồng rau sẽ tăng cường phun mỗi ngày 1 lần đến 2 lần để rau "tăng tốc". Đáng lo ngại hơn nữa, chị em sử dụng một loại thuốc để "đánh" lá vàng. Theo họ, khi phun loại thuốc này vào rau trước khi thu hoạch 2 ngày, thì khi thu hoạch toàn bộ lá vàng sẽ tự động rụng hết. Tôi tò mờ hỏi xem thuốc này bán ở đâu, một chị dừng tay và nói "Các đại lý bán thuốc rất nhiều, chị cứ hỏi bán cho một chai thuốc trị nấm nhưng sử dụng cho rau. Dùng thuốc này yêu cầu phải cách ly 14 ngày trước khi thu hoạch, nhưng thực tế chỉ 3-4 ngày là tôi đã thu hoạch đưa ra chợ bán"; hay "công nghệ" sử dụng hoá chất làm mềm cọng, trắng cọng, mập cọng và đẹp lá... được công khai bày bán tại các chợ đầu mối của tỉnh. Thể hiện tính "chịu thương, chịu khó" của mình, chị em đã "tận dụng" nguồn nước cống đen kịt, đặc sánh với đủ loại rác thải trôi lềnh bềnh, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc để tưới, bón cho rau. Trong lúc, người trồng rau "biết" mang găng tay, găng chân bảo hộ để tránh bị ngứa ngáy, tróc lở cho bản thân. Chị em còn "cẩn thận" dành riêng luống rau sạch, không phun thuốc để "phục vụ" gia đình. Rau củ bán không hết đổ vào bãi rác chứ không dám đưa về cho gia súc, gia cầm... Người trồng rau củ biết lợi cho gia đình mình sao không nghĩ xem người tiêu dùng sẽ thế nào?
Vẫn biết rằng, sản xuất rau, củ quả là để phục vụ cuộc sống gia đình và là một trong những nghề chính của người dân. Song họ đâu biết rằng công nghệ trồng rau của một bộ phận phụ nữ thiếu lương tâm, thiếu trách nhiệm dẫn đến hậu quả nhãn tiền là tổn hại đến sức khỏe của người tiêu dùng. Ở mức độ nhẹ, nó gây ngộ độc thực phẩm, nặng sẽ ảnh hưởng đến quá trình hô hấp, gây đột biến và phát sinh các căn bệnh ung thư.
Thiết nghĩ rằng, người phụ nữ vốn được ban tặng thiên chức làm mẹ, sản sinh giống nòi thì phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, bảo tồn phát triển nòi giống. Đâu chỉ vì lợi nhuận mà vô trách nhiệm huỷ hoại dần thế hệ con cháu mai sau. Là cán bộ, hội viên phụ nữ, các chị hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức, lương tâm của mình để sản xuất rau, củ, quả sạch phục vụ cuộc sống gia đình cũng như cả cộng đồng.
Kim Chung
Hội LHPN tỉnh
|