image banner
  ĐĂNG NHẬP  
Phụ nữ Nam Đàn: Khởi nghiệp từ Chương trình OCOP

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được Đảng, Nhà nước, Chính phủ triển khai thực hiện từ năm 2018. Trong những năm qua, gắn với việc thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” theo Quyết định số 939/QĐ-TTCP của Thủ tướng Chính phủ, Hội LHPN huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia chương trình OCOP. Với tư cách vừa là chủ thể vận động tuyên truyền về chương trình, vừa là chủ thể tham gia xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, cũng lại là người quan trọng quyết định lựa chọn sản phẩm tiêu dùng cho gia đình. Vì vậy, Hội đã sáng tạo, linh hoạt trong việc hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp của hội viên phụ nữ đồng thời phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương - sản phẩm OCOP.

 Trước tiên, để giúp các cá nhân, doanh nghiệp, HTX phát triển các sản phẩm OCOP, các cấp, ngành của huyện đã phối hợp thực hiện nhiều giải pháp để khuyến khích và hỗ trợ. Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các đơn vị cơ sở trực tiếp đi khảo sát các hộ sản xuất, kinh doanh có tiềm năng; tuyên truyền, định hướng và cam kết đồng hành trong quá trình xây dựng hồ sơ sản phẩm, thẩm định chất lượng, lựa chọn mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc, đăng ký nhãn hiệu, xây dựng các vùng nguyên liệu và thực hiện mô hình sản xuất an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, Hội phối hợp với chính quyền địa phương từng bước chuyển đổi sản xuất từ quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, gắn với vai trò của các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp.... Hội LHPN huyện cũng tập trung nhiều hoạt động như tổ chức Ngày Phụ nữ khởi nghiệp, tổ chức diễn đàn đối thoại trực tiếp, tọa đàm tư vấn, giới thiệu việc làm, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp; giải đáp các băn khoăn về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP; tập huấn, hướng dẫn cho chị em các quy trình, để sản phẩm đạt quy trình, chất lượng, trong đó đạt được chứng nhận sản phẩm OCOP. Hội phụ nữ đã tham gia vận động, hỗ trợ và phát triển các sản phẩm do cán bộ, hội viên sản xuất tham gia dự thi cấp huyện và hoàn chỉnh hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng 3 sao, 4 sao cấp tỉnh.

Anh-tin-bai

Lãnh đạo TW Hội LHPNVN và Hội LHPN tỉnh kiểm tra mô hình HTX Nam Anh

 Kết quả, trong 5 năm, Hội đã chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng và hoàn thành 25 dự án/ý tưởng của các tập thể, cá nhân tham gia Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp”. Tiêu biểu: năm 2018 có 2 sản phẩm đạt giải Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Nghệ An là sắn dây và miến gạo. Năm 2019, ý tưởng “Áp dụng công nghệ trong sản xuất ttinh bột sắn dây an toàn” thuộc Hợp tác xã Nam Anh đạt giải ý tưởng xuất sắc Cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp Phụ nữ và tương lai nền kinh tế xanh do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Năm 2020 có 2 chị đạt giải Nhất và Giải Ba Cuộc thi “Phụ nữ tự tin làm kinh tế” do Trung ương Hội tổ chức. Năm 2021, ý tưởng “Trà Ngũ sắc” của đơn vị Nam Anh lọt vào vòng thi thuyết trình của Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Nghệ An. Năm 2022, có thêm 10 sản phẩm của hội viên được Hội trực tiếp giúp đỡ, hỗ trợ đạt tiêu chuẩn OCOP (Gồm: dầu lạc Trung Bé, bánh gai, kẹo cuđơ (Xuân Lâm); Mật ong (Nam Thanh); Miến gạo, bột sắn dây, bánh nhãn (Nam Xuân); Giò bê, gà đồi ủ muối, gân vó rau tiến vua (Nam Thái). Đến thời điểm hiện tại, huyện Nam Đàn có 57 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh tại 16/19 xã với tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao trở lên, trong đó tập trung chủ yếu vào nhóm thực phẩm (30 sản phẩm), tiếp đến là nhóm dịch vụ du lịch nông thôn (13 sản phẩm), nhóm thảo dược (10 sản phẩm), nhóm đồ uống (03 sản phẩm), nhóm đồ lưu niệm, nội thất, trang trí (01 sản phẩm)… Trong số 57 sản phẩm OCOP của huyện có 45 sản phẩm từ các ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ.

 Ngoài ra, Hội đã phối hợp với các Ngân hàng, tổ chức tín dụng tạo nguồn vốn vay cho cán bộ, hội viên hỗ trợ phát triển kinh tế, sáng tạo khởi nghiệp. Đến nay, tổng dư nợ NHCSXH do Hội quản lý là: 131,025 tỷ đồng, cho 2.279 hộ vay, dư nợ quỹ TYM đạt 13,8 tỷ đồng, tiết kiệm 19,2 tỷ đồng với 1.923 thành viên; dư nợ TKTD tại chi hội là: 7,5tỷ đồng, với 156 tổ hoạt động có hiệu quả, có 2.354 thành viên tham gia, Quỹ quay vòng vốn cấp nước vệ sinh nông thôn, Oxfam - Quybec; SODI, SU FA: 2,1 tỷ đồng cho gần 500 lượt hội viên vay đầu tư phát triển kinh tế nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.

Anh-tin-bai

Chị Bùi Thị Hà với ý tưởng Tương truyền thống Nam Đàn đạt giải Nhất cuộc thi Phụ nữ tự tin làm kinh tế

 Nhờ có sự hỗ trợ của tổ chức Hội Phụ nữ và ngành chức năng, chị em đã từng bước xây dựng được các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Chị Hồ Thị Thuận Giám đốc HTX Nam Anh chuyên sản xuất sản phẩm sắn dây an toàn chia sẻ: Năm 2019, ý tưởng “Áp dụng công nghệ cao trong sản xuất tinh bột sắn dây an toàn”của HTX Nam Anh tham dự cuộc thi “Phụ nữ và tương lai nền kinh tế xanh” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức đã lọt top 34/741 ý tưởng và được hỗ trợ 150 triệu đồng, sau đó Hội LHPN tỉnh Nghệ An hỗ trợ cho HTX vay 200 triệu đồng để mua các máy móc, thiết bị, kỹ thuật, nâng cao năng lực cho HTX. Năm 2020 được các cấp Hội giúp đỡ, các ngành hỗ trợ các sản phẩm sắn dây nguyên chất và sắn dây hương vị chanh, chanh dây, hương vị gừng được tỉnh cấp chứng nhận đạt 3 sao OCOP. Chất lượng của sản phẩm dần được các thị trường trong và ngoài tỉnh biết tới và tin dùng. Hiện nay, chị mong muốn các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn chị thực hiện các quy trình, thủ tục và kỹ thuật để các sản phẩm của HTX được công nhận là sản phẩm 4 sao, 5 sao, được đánh giá về chất lượng cao hơn, đầu ra của sản phẩm sẽ ổn định, có chỗ đứng hơn trên thị trường.

Anh-tin-bai

Hội LHPN huyện Nam Đàn ra mắt mô hình CLB Phụ nữ khởi nghiệp huyện

 Còn đối với sản phẩm “Tương ngon Hà Chung” của chị Nguyễn Thị Hà - xóm 1 xã Nam Giang,  năm 2020, chị tham gia Cuộc thi “Phụ nữ tự tin làm kinh tế” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức và ý tưởng đạt giải Nhất với số điểm cao. Chị được tổ chức Hội và các ngành chức năng hướng dẫn để gắn “sao” và hoàn tất các thủ tục để sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cho  sản phẩm Tương truyền thống. Chị chia sẻ: Tham gia OCOP là việc làm cần thiết, cơ hội để để các sản phẩm của gia đình được nhiều người biết tới, yên tâm hơn khi sử dụng...

 Để nâng cao nhận thức của chị em về việc phát triển kinh tế gắn với phát triển các sản phẩm OCOP, thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện cần tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ hội viên khởi nghiệp sản phẩm OCOP, làm tốt công tác tuyên truyền để hội viên phụ nữ và nhân dân tham gia sản xuất các sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn các nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, bảo vệ môi trường, vươn lên thoát nghèo, làm giàu tại quê hương.

Lê Hương - PCT Hội LHPN huyện

THÔNG BÁO
VIDEO - CLIP
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1