image banner
  ĐĂNG NHẬP  
Nâng cao hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ

Những năm gần đây vấn đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em đang được các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội quan tâm. Thực tế nhiều vấn đề liên quan đến sự an toàn đối với phụ nữ và trẻ em như: Bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, buôn bán phụ nữ, trẻ em, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, cháy nổ, thiên tai, biến đổi khí hậu, tín dụng đen, ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường mạng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm...ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, sức khỏe sinh sản, ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi

Diễn đàn đối thoại giữa lãnh đạo các cấp với học sinh tại thị xã Cửa lò. Ảnh. Phan Huyền

Trước thực trạng trên, các cấp Hội phụ nữ đã luôn quan tâm xây dựng môi trường an toàn và có các chương trình hành động để nâng cao hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em. Từ đó, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực, nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ, trẻ em, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.


Năm 2017, TW Hội LHPN Việt Nam đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 938 về "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027". Đối tượng hưởng lợi trực tiếp của Đề án là phụ nữ, trong đó chú trọng nhóm phụ nữ đặc thù ở địa bàn trọng điểm có các vấn đề xã hội cần ưu tiên giải quyết, cha mẹ có con dưới 16 tuổi, cán bộ Hội phụ nữ và cơ quan phối hợp trong thực hiện Đề án.


Chỉ sau gần 2 năm thực hiện, các cấp Hội đã có nhiều hoạt động như tổ chức tập huấn, truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức của cán bộ, hội viên về công tác bảo vệ quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em; phát hiện, tiếp nhận, tham gia giải quyết và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp; xây dựng các mô hình hỗ trợ phụ nữ, trẻ em; giám sát và phản biện xã hội góp phần hoàn thiện pháp luật về bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Thông qua giám sát, Hội đã kiến nghị, đề xuất 296 vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết một cách kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật và phù hợp với đạo đức xã hội. Các cấp Hội đã tham gia góp ý vào 628 văn bản dự thảo. Tổ chức 249 cuộc đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo Hội, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương với hội viên phụ nữ. Tại các buổi đối thoại, hội viên phụ nữ đã đề xuất, kiến nghị những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của hội viên phụ nữ và trẻ em trên địa bàn với các nhóm vấn đề: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đào tạo nghề cho lao động nữ, chính sách cho cán bộ Hội cơ sở, các chế độ chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nghèo, bạo lực gia đình, tảo hôn, đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, vệ sinh môi trường, ATTP… Ngoài ra, Hội còn có các hoạt động hỗ trợ như: thực hiện các chương trình, dự án, đề án, duy trì các mô hình hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực thông qua 397 mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 547 mô hình CLB "Gia đình hạnh phúc", xây dựng 04 hợp tác xã, 48 tổ hợp tác, 108 tổ liên kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, tiêu dùng sạch....


Thực hiện chủ đề năm 2019 là“An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, do TW Hội LHPN Việt Nam phát động, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Nghệ An tiếp tục hướng tới các hoạt động về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó chú trọng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ giúp đỡ nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là ý thức, khả năng tự bảo vệ chính mình của phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra, tùy tình hình thực tế, Hội Phụ nữ các cấp chủ động xác định vấn đề xã hội của địa phương, đơn vị để lựa chọn nội dung phù hợp, xây dựng kế hoạch và triển khai đảm bảo hiệu quả thiết thực, góp phần tạo môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em

Ảnh. Hải Yến

Trong quá trình thực hiện, các cấp Hội vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc như: nhiều cơ sở Hội chưa có nhiều đổi mới về phương pháp tuyên truyền, vận động; nhiều đơn vị chưa xác định được các vấn đề xã hội ưu tiên tại địa phương dẫn đến xây dựng mô hình còn dàn trải, hoạt động chưa hiệu quả. Việc phát hiện các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bạo lực và lên tiếng, hỗ trợ, tham gia giải quyết của các cấp Hội còn hạn chế, chưa chủ động, chưa quyết liệt. Đặc biệt, một số đơn vị chưa được phân bổ kinh phí thực hiện các hoạt động, chủ yếu là lồng ghép vào hoạt động Hội nên hiệu quả chưa cao, đặc biệt là cấp cơ sở.


Để tiếp tục phát huy vai trò của phụ nữ và các cấp Hội, đồng thời vận động sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em nhằm tạo môi trường và hành lang pháp lý đảm bảo sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em, trong thời gian tới, các cấp Hội phụ nữ toàn tỉnh cần tập trung một số hoạt động sau:


- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bình đẳng giới, phòng ngừa xâm hại phụ nữ và trẻ em gái; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống mua bán người trong toàn xã hội, gắn với thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” mà Hội phát động nhiều năm qua. Hội LHPN các cấp kết nối, chia sẻ thông tin về công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, duy trì và nhân rộng các mô hình phòng ngừa có hiệu quả về xâm hại phụ nữ và trẻ em gái, phòng chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; kịp thời phát hiện, phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp đối với các vụ vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái.


- Duy trì hiệu quả hoạt động của công tác tham mưu giải quyết các vụ việc, điểm nóng liên quan phụ nữ và trẻ em; các cấp Hội căn cứ tình hình thực tế để hình thành mạng lưới cộng tác viên, tổ/nhóm tư vấn, hòa giải để hỗ trợ Hội giải quyết các vụ việc phức tạp.


- Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa Hội phụ nữ với các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan tiến hành tố tụng trong giải quyết vụ việc xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em.


- Nghiên cứu, phản biện, tham gia góp ý hoàn thiện pháp luật liên quan đến các tội phạm về xâm hại tình dục trẻ em.


- Giám sát việc thực hiện một số bản án có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ; lựa chọn vụ việc điển hình, tập trung hỗ trợ, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết các vụ việc nghiêm minh và nhanh chóng nhất.


Một thực tế thấy rằng: không một cơ quan, tổ chức nào có thể hành động độc lập mà tạo nên được môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em. Vì vậy, đòi hỏi Hội LHPN và các ngành có liên quan cần vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em nhằm tạo dựng một xã hội lành mạnh, an toàn và phát triển bền vững.

Phan Thị Anh Tâm

THÔNG BÁO
VIDEO - CLIP
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1