image banner
  ĐĂNG NHẬP  
Phát huy vai trò của các cấp Hội phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường
Nhận thức được tầm quan trọng của môi trường đối với đời sống, sức khỏe của con người; với chức năng nhiệm vụ của Hội, những năm qua, Hội LHPN tỉnh Nghệ An đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương huy động các nguồn lực để tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm vận động hội viên, phụ nữ chủ động tham gia bảo vệ môi trường và thực hiện các giải pháp phục hồi, gìn giữ hệ sinh thái, môi trường sống xanh, sạch, đẹp một cách hiệu quả.

Phát triển bền vững trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, đặc biệt trong kinh tế, xã hội và môi trường là xu thế chung và yêu cầu cấp thiết của thế giới và Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ sống còn của nhân loại, là nhân tố bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân, là cơ sở cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định chính trị - xã hội và hợp tác quốc tế.

Phụ nữ là nhân tố tích cực, có vai trò hết sức quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, chị em phần lớn là người sử dụng tiếp cận, giải quyết các công việc hàng ngày liên quan đến rác thải, nước sinh hoạt, vệ sinh. Phụ nữ vừa là người hưởng lợi và quản lý các vấn đề môi trường cơ bản nhưng cũng là người gánh chịu trước tiên những hậu quả của biến đổi khí hậu do tác động của môi trường gây ra. 

Nhận thức được tầm quan trọng của môi trường đối với đời sống, sức khỏe của con người; với chức năng nhiệm vụ của Hội, những năm qua, Hội LHPN tỉnh Nghệ An đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương huy động các nguồn lực để tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm vận động hội viên, phụ nữ chủ động tham gia bảo vệ môi trường và thực hiện các giải pháp phục hồi, gìn giữ hệ sinh thái, môi trường sống xanh, sạch, đẹp một cách hiệu quả. 

Để đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo vệ môi trường trong các cấp Hội, năm 2018, Hội LHPN tỉnh đã tham mưu và được UBND tỉnh phê duyệt Đề án "Tuyên truyền, vận động phụ nữ nông thôn chủ động tham gia bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018-2021". Qua đó, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội thực hiện tốt các hoạt động về tuyên truyền, vận động phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường, tổ chức thực hiện Đề án gắn với Cuộc vận "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", chỉ đạo xây dựng các mô hình, công trình, phần việc ý nghĩa về chung tay bảo vệ môi trường góp phần xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh thu hút sự tham gia tích cực của các tầng lớp phụ nữ và nhân dân. 

Các cấp Hội tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân

Nhằm thay đổi được suy nghĩ, nếp nghĩ, hành vi ứng xử với môi trường cho cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân; 04 năm qua, các cấp Hội đã tổ chức gần 1.200 lớp tập huấn cho hơn 105.000 lượt cán bộ Hội chuyên trách, báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp tỉnh, huyện và xã/ phường, thị trấn về công tác bảo vệ môi trường. Hội LHPN tỉnh tổ chức 03 cuộc “Giao lưu tuyên truyền viên giỏi về công tác bảo vệ môi trường” tại huyện Nghi Lộc, Thị xã Hoàng Mai và Quỳ Châu; Hội thi "Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường" tại thành phố Vinh; Hội thi “Tuyên truyền viên giỏi về công tác bảo vệ môi trường” và Lễ phát động “Phụ nữ với bảo vệ môi trường” tại Tỉnh, thành phố Vinh, Yên Thành, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Thái Hòa, Con Cuông, Thanh Chương. Phối hợp tổ chức 13 lớp tập huấn truyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho 1.300 hội viên phụ nữ.

Bên cạnh đó, Hội đã tập trung xây dựng và nâng cao năng lực cho đội ngũ tuyên truyền viên bảo vệ môi trường, đặc biệt ở cơ sở thông qua các lớp tập huấn hàng năm, hướng dẫn lập kế hoạch hoạt động, lựa chọn nội dung và cách thức truyền thông, tham gia đề xuất các hình thức/mô hình phù hợp tại cộng đồng; góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên về bảo vệ môi trường và thúc đẩy các mục tiêu hoàn thành và duy trì xã nông thôn mới của các địa phương. Các tuyên truyền viên đã tổ chức hàng ngàn cuộc họp nhóm, thôn, bản tuyên truyền vận động, sinh hoạt câu lạc bộ phụ nữ về bảo vệ môi trường, sáng tạo xây dựng các mô hình, câu lạc bộ, các hoạt động hay, ý nghĩa về bảo vệ môi trường.

Các hoạt động tuyên truyền được các cấp Hội tập trung với nhiều hình thức phong phú phù hợp với từng địa phương; qua đó, có 395 diễn đàn sự kiện, hội thi, hội thảo, các hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường đã được tổ chức. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng mạng xã hội; các cấp Hội phối hợp với Đài phát thanh truyền hình tỉnh, huyện xây dựng 45 phóng sự, hơn 5.000 tin, bài tuyên truyền về công tác vệ sinh môi trường. Phát hành 16 số bản tin “Phụ nữ Nghệ An” với 80.000 cuốn phát xuống tận chi hội phụ nữ; trong các số bản tin thường xuyên đưa các tin, bài viết nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường, gương điển hình, gương người tốt việc tốt, mô hình hay trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt tiêu chí 3 sạch “Sạch nhà - sạch ngõ - sạch môi trường”.

Tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng “Ngày môi trường thế giới” (5/6), “Tuần lễ Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường” (29/4 - 6/5)…; Hội LHPN tỉnh tổ chức các lễ phát động “Phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường” tại tỉnh và các huyện Hưng Nguyên, Con Cuông, Thái Hòa, Thanh Chương, Nghi Lộc, thành phố Vinh..., sau lễ phát động trao tặng 1.600 thùng rác, 135 xe đẩy rác, 35 công trình cây xanh bảo vệ môi trường góp phần xây dựng Nông thôn mới; các cấp Hội tổ chức ra quân 2.000 đợt thu gom rác thải, bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa với hơn 169.000 lượt cán bộ, hội hội viên, phụ nữ tham gia. Hàng năm, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia các cuộc hưởng ứng làm sạch môi trường biển và trồng cây xanh.

 Xây dựng, duy trì và nhân rộng nhiều mô hình phụ nữ bảo vệ môi trường tại cộng đồng hiệu quả, thiết thực

 Các cấp Hội đã thông qua vận động và huy động chị em tham gia, đóng góp, khai thác các nguồn lực xây dựng các mô hình phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường. Đến nay, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đang triển khai rất nhiều mô hình bảo vệ môi trường với hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với điều kiện của vùng, miền, góp phần giải quyết các vấn đề của địa phương; trong đó chú trọng các mô hình “phân loại rác tại nguồn”, biến rác thải thành các sản phẩm có ích như “biến rác thành con giống”, “biến rác thành thẻ bảo hiểm y tế”, “Biến rác thành đường hoa”, “biến rác thành khu vui chơi, giải trí cho trẻ em”, mô hình “Sạch nhà, sạch ngõ, sạch môi trường”; mô hình "Nhà sạch vườn đẹp liền kề", "Nhà sạch, vườn đẹp liền kề kiểu mẫu"; Hội LHPN tỉnh chỉ đạo thành lập và giao chỉ tiêu 100% cơ sở Hội có tổ “Phụ nữ tự quản về môi trường”.

Anh-tin-bai

Mô hình nhà sạch vườn đẹp liền kề kiểu mẫu xã Quang Thành, huyện Yên Thành

 Đến nay, đã có gần 400 mô hình phân loại, xử lí tại nguồn và 700 mô hình biến rác thành việc có ích giúp cho gần 6.900 hội viên, phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; mô hình này đã được nhân rộng trên nhiều địa bàn trong toàn tỉnh với nhiều “sứ mệnh” khác nhau của rác thải đã được các cấp Hội tại nhiều địa phương sáng tạo phù hợp với các hoạt động, phong trào tại địa phương và theo từng thời điểm; số tiền thu được từ nguồn quỹ do mô hình mang lại đã được các cấp Hội trao tặng 14.785 làn nhựa, hơn 12 nghìn hộp nhựa để đi chợ thay thế túi nilon tại các chi hội; gần 20.000 thùng rác, sọt rác để phân loại rác tại hộ gia đình; hơn 1 triệu con giống (gà, lợn, bò, dê), gần 2.000 thẻ BHYT hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em nghèo.

 Ngoài ra, các cấp Hội vận động hội viên, phụ nữ, Nhân dân quan tâm sử dụng các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi và trồng trọt, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc. Hướng dẫn cơ sở Hội xây dựng hố rác tại gia, thùng rác tại đồng ruộng để thu gom các chai lọ và túi ni lông đựng thuốc bảo vệ thực vật, thông qua các mô hình “Phụ nữ tự quản đoạn đường nông thôn xanh, sạch, đẹp”; "sản xuất rau an toàn",…Triển khai xây dựng 3.115 công trình, phần việc; 56 mô hình hộ liền kề nhà sạch, vườn đẹp; 738 chi hội 5 không 3 sạch; 1.560 con đường nở hoa, tuyến đường kiểu mẫu; 5.410 hộ gia đình được Hội giúp đạt 8 tiêu chí; 140 mô hình điểm về “Hàng rào xanh” với tổng chiều dài 130.000m; góp phần cùng với tỉnh nhà xây dựng thành công 280 xã và 05 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh đó, các cấp Hội tranh thủ các nguồn lực từ các dự án đã hỗ trợ trên 06 nghìn hộ dân xây dựng công trình cấp nước và hơn 09 nghìn công trình nhà tiêu hợp vệ sinh cho hội viên, phụ nữ và người dân; làm hồ sơ vay vốn cho 10.968 hộ gia đình hội viên, phụ nữ với số tiền hơn 131 tỷ đồng hỗ trợ cho các gia đình xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Thông qua công tác tuyên truyền của các cấp Hội, người dân cũng nhận thấy rõ lợi ích của việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh vì vậy nhiều gia đình đã dần thay đổi nhận thức và chủ động làm theo mà không trông chờ vào sự hỗ trợ.

Anh-tin-bai

Mô hình Túi rác nghĩa tình tại phường Hà Huy Tập, tp Vinh

Những mô hình, cách làm hay, sáng tạo được các cấp Hội thực hiện có hiệu quả thiết thực và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương đã tạo sức lan tỏa rộng khắp, thúc đẩy các phong trào bảo vệ môi trường, đồng thời tạo một bước chuyển biến mạnh mẽ về công tác bảo vệ môi trường trong cộng đồng; tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết đồng hành, cộng sự của các tầng lớp phụ nữ và các ban, ngành, đoàn thể trong việc bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.

Tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng các điển hình thực hiện tốt về bảo vệ môi trường

 Trong những năm qua, nhiều mô hình, cách làm hay đã được các cấp Hội triển khai, nhân rộng và phát huy hiệu quả không thể không nói đến vai trò của công tác tuyên truyền, biểu dương kịp thời của các cấp Hội, không chỉ trên các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh thông tin của Hội, qua mạng xã hội mà còn qua các hoạt động truyền thông trực tiếp, truyền thông online, các cuộc thi; qua các hội nghị sơ, tổng kết, các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, mô hình,... Qua đó đã lan tỏa rộng rãi các việc làm ý nghĩa, thiết thực về bảo môi trường trong các cấp Hội và trong cộng đồng. Đặc biệt, năm 2022, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức biểu dương, khen thưởng 42 tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Những hoạt động của các cấp Hội đã góp phần nâng cao nhận thức mọi mặt cho hội viên, phụ nữ, động viên các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia các hoạt động của Hội, góp phần thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường tại các xã vùng nông thôn, tích cực cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới/nông thôn mới nâng cao/nông thôn mới kiểu mẫu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh về xây dựng nông thôn mới và các tiêu chí về môi trường hiện nay thì cần sự quan tâm chỉ đạo sát sao và sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng với sự kiên trì, bền bỉ của các cấp, các ngành cùng chung tay bảo vệ môi trường. Trước những vấn đề đặt ra về môi trường hiện nay, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra trong Nghị quyết nhiều quan điểm, chủ trương cụ thể, mới về vấn đề này và đưa vào một số chỉ tiêu quan trọng như: đến năm 2025, tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95-100% và nông thôn là 93-95%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%,… Mặt khác, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2022, trong đó có quy định mức xử phạt đối với các hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt.

Trước những vẫn đề đó, với vai trò, chức năng nhiệm vụ của Hội, bà Hoàng Thị Thanh Minh - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh trao đổi: Thực tế hiện nay đang nhiều vấn đề xoay quanh ý thức và kiến thức về phân loại, xử lí rác thải sinh hoạt của người dân, phân loại như thế nào, xử lí rác sau khi phân loại ra sao?... Vì vậy, được sự cho phép của UBND tỉnh, Hội LHPN tỉnh đang tiến hành xây dựng Đề án “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia phân loại, xử lý rác thải tại nguồn và hạn chế sử dụng túi ni lông trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2027", với mục tiêu nâng cao nhận thức, kỹ năng, trách nhiệm của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ, cộng đồng dân cư trong công tác phòng, chống ô nhiễm môi trường; thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình và hạn chế sử dụng túi ni lông. Nâng cao nhận thức, thay đổi ý thức thói quen xấu để có những hành động cụ thể hạn chế tối đa việc vứt, đổ rác thải sinh hoạt không đúng quy định; hạn chế dần việc dùng đồ nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy, thay thế bằng sản phẩm sử dụng nhiều lần, thân thiện với môi trường, tạo môi trường sống ngày càng xanh - sạch - đẹp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp. tỉnh lần thứ XVI.

Có thể thấy rằng, các hoạt động bảo vệ môi trường mà các cấp Hội triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức mọi mặt cho phụ nữ, động viên các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia các hoạt động của Hội, góp phần thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Trong thời gian tới, gắn với những nhiệm vụ công tác Hội, các cấp Hội sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả, đặc biệt tập trung hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình góp phần giảm thiểu rác thải ra ngoài môi trường và mô hình biến phế liệu thành những việc có ích.

Vương Giang

THÔNG BÁO
VIDEO - CLIP
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 98
  • Trong tuần: 2 636
  • Tất cả: 127759