Phát huy hiệu quả Mô hình "Chợ văn minh phòng chống rác thải nhựa và hạn chế sử dụng túi nilon"
Nhìn lại 2 năm triển khai thực hiện, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn xã Kim Liên, huyện Nam Đàn và bước đầu tạo lan tỏa về nhận thức, thay đổi hành vi về bảo vệ môi trường đến các tầng lớp cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã.
Nhìn lại 2 năm triển khai thực hiện, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn xã Kim Liên, huyện Nam Đàn và bước đầu tạo lan tỏa về nhận thức, thay đổi hành vi về bảo vệ môi trường đến các tầng lớp cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã.
Nhằm phát huy vai trò nòng cốt của phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ trong việc chung tay chống rác thải nhựa, tháng 8/2020, Hội LHPN huyện Nam Đàn đã triển khai thí điểm mô hình “Chợ văn minh phòng chống rác thải nhựa và hạn chế sử dụng túi nilon” tại chợ Cầu, xã Kim Liên.
Toàn cảnh chợ Cầu - Chợ văn minh giảm thiểu rác thải nhựa và túi nilon
Chợ Cầu là chợ trung tâm của xã Kim Liên, nơi tập trung 70% hoạt động buôn bán, giao thương, trao đổi hàng hóa của người dân xã Kim Liên và những vùng lân cận. Đồng thời, là điểm chợ dân sinh thường xuyên có lượng lớn khách du lịch ghé vào mua sắm. Vì vậy, lượng rác thải xả ra hằng ngày từ chợ rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân trong khu vực, bên cạnh đó hầu hết người dân đi chợ và tiểu thương vẫn đang sử dụng túi ni lông là chủ yếu vì sự tiện lợi mà nó mang lại, dẫn đến lượng rác thải từ túi ni lông ra môi trường là rất lớn. Trước thực tế đó, nhằm thay đổi thói quen đi chợ của người dân cũng như việc sử dụng sản phẩm thay thế túi ni lông của các tiểu thương trong chợ góp phần bảo vệ môi trường sống, Hội LHPN huyện Nam Đàn đã chọn chợ Cầu là thí điểm để triển khai mô hình “Chợ văn minh phòng chống rác thải nhựa và hạn chế sử dụng túi nilon”.
Ngay sau khi mô hình ra mắt, Hội LHPN huyện Nam Đàn đã chỉ đạo Hội Phụ nữ xã Kim Liên thành lập đội tình nguyện viên gồm 12 chị với nhiệm vụ truyền thông trực tiếp đối với các chị em nội trợ, tiểu thương kinh doanh, buôn bán tại chợ về tác hại của việc sử dụng đồ nhựa và túi ni lông trong cuộc sống hàng ngày. Đồng thời, tổ chức các buổi sinh hoạt lồng ghép, mời cán bộ của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh trực tiếp trao đổi về vấn đề tác hại của túi ni lông và rác thải nhựa, phân loại rác thải tái chế và rác thải rắn cho cán bộ, hội viên và các tiểu thương đang buôn bán tại chợ Cầu; tổ chức Cuộc thi “Trưng bày sản phẩm an toàn và thân thiện với môi trường” tại 12 chi hội trên địa bàn xã.
Với mong muốn, mỗi tổ chức, gia đình, cá nhân cùng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc hạn chế rác thải nhựa, đội tình nguyện viên phụ nữ xã Kim Liên đã tích cực tuyên truyền, vận động lan tỏa trong cộng đồng, nhằm giảm dần và tiến đến “nói không” với rác thải nhựa dùng một lần. Theo đó, 1.000 tờ rơi tuyên truyền về các tiêu chí xây dựng chợ văn minh giảm thiểu rác thải nhựa cũng đã được chuyển tới tiểu thương và người tiêu dùng chợ Cầu - Kim Liên, 1.500 túi thân thiện với môi trường, 100 cuộn túi đựng rác hữu cơ tự phân hủy, 100 chiếc làn nhựa, 200 bộ sản phẩm thay thế mang theo khi đi chợ cũng đã được chị em phụ nữ Nam Đàn phát đến người mua hàng tại chợ. Để duy trì mô hình, trong thời gian đầu, Hội LHPN huyện phối hợp Hội LHPN xã Kim Liên thường xuyên kêu gọi xã hội hóa từ chính các cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại, các hàng tạp hóa… để có các sản phẩm hỗ trợ cho người dân tại chợ thực hành sử dụng.
Đặc biệt, Hội đã hỗ trợ đặt 3 cặp thùng phân loại rác thải tại các điểm chợ, đồng thời hướng dẫn, tuyên truyền các tiểu thương và bà con thực hiện việc phân loại rác thải tái chế và rác hữu cơ, phối hợp với UBND xã giao Ban quản lý (BQL) chợ và bộ phận thu gom rác thải chợ có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở và thực hiện việc phân loại rác thải theo quy định. Các rác thải nhựa, rác thải có thể tái chế được BQL chợ Cầu thu gom bán gây quỹ. Đối với các loại rác thải hữu cơ, các chị em trong đội tình nguyện viên hỗ trợ BQL chợ ủ thành phân hữu cơ, và cho bà con nông dân khu vực xung quanh đến lấy về bón cho cây trồng. Số quỹ thu được từ các hoạt động này được sử dụng để mua làn nhựa, các bộ sản phẩm thay thế tặng hội viên, phụ nữ đi chợ, mua thùng rác thông minh lắp đặt tại các khu dân cư trên địa bàn, cũng như sử dụng kinh phí gắn biển bảng tuyên truyền, logo mô hình tại các quầy hàng để tăng hiệu ứng truyền thông, mua hạt giống, cây giống để trồng hoa, cây xanh tại các khu vực điểm đen của chợ. Tính đến nay, đã có 80 làn nhựa, 20 bộ sản phẩm thay thế được tặng cho hội viên và 50 thùng rác được lắp đặt tại các khu dân cư trích từ nguồn quỹ thu gom rác thải chợ Cầu.
Trực tiếp tham gia đội tình nguyện viên thực hiện mô hình này, chị Trần Thị Chiến (Chi hội trưởng Chi hội Liên Sơn - Kim Liên) bày tỏ: “Những việc đội tình nguyện viên làm đều hoàn toàn tự nguyện, trên tinh thần tự giác của các chị em trong đội và hướng dẫn, định hướng của Hội Phụ nữ xã. Nhiều lần đi truyền thông, người dân không nhận tờ rơi vì họ không quan tâm hoặc không chấp hành việc phân loại rác thải. Và nhiều tiểu thương ở chợ vẫn nói rằng, mức giá mua túi nilon thông thường rẻ hơn túi ni lông tự phân hủy và tiện lợi. Do đó, để thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa và ni lông trong mua, bán hàng của tiểu thương và người dân, các chị em chúng tôi phải tuyên truyền thường xuyên với phương châm "mưa dầm thấm lâu" và phải thực sự tâm huyết mới có thể gắn bó với hoạt động xã hội này".
Mặc dù mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa” mới triển khai một thời gian và mất 02 năm ảnh hưởng của dịch Covid, song bước đầu đã mang lại kết quả rõ nét. Nhiều tiểu thương kinh doanh tại chợ Cầu, đặc biệt là người dân quanh khu vực đã giảm dần việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Nhiều tiểu thương đã ý thức sử dụng cho khách, đóng nhiều mặt hàng trong một túi ni lông thay vì mỗi thứ một túi như trước và sử dụng các loại thay thế để gói như lá chuối, lá sen…cùng với công tác truyền thông tích cực của Hội và đội tuyên truyền tại các chợ, trên loa phát thanh của xóm; người dân xã Kim Liên dần dần ý thức được tác hại của việc sử dụng túi ni lông một lần trong sinh hoạt hàng ngày, từ đó thay đổi hành vi từ sử dụng túi ni lông đựng đồ đi chợ sang sử dụng rổ tre, làn nhựa, hộp nhựa, làn mây và có nhiều người còn không quên mang theo cuộn bao ni lông tự hủy để đi chợ, từ đó hạn chế tối đa việc sử dụng túi ni lông, giảm thiểu rác thải nhựa, tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp, thân thiện, góp phần xây dựng và thay đổi cảnh quan, môi trường sống của xã Kim Liên.
Ông Nguyễn Quang Lộc - Chủ tịch UBND xã Kim Liên cho biết: Mô hình “Chợ văn minh phòng chống rác thải nhựa và hạn chế sử dụng túi ni lông” bước đầu đã làm thay đổi nhận thức của cả tiểu thương và người dân, đồng thời mô hình có sức lan tỏa và thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thu gom phế liệu, "biến rác thải thành những việc có ích" trên địa bàn xã Kim Liên trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình này rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ nhiều phía. Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể triển khai nhân rộng mô hình trên toàn huyện. Trong đó, phụ nữ Nam Đàn sẽ gương mẫu trong việc hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa và thực hiện phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon … với những cách làm hay, sáng tạo, thiết thực và các mô hình phù hợp. Tin tưởng rằng, với lòng nhiệt huyết, sự tích cực, kiên trì và sáng tạo, phụ nữ Nam Đàn sẽ luôn "sống xanh, hành động xanh", góp phần xây dựng quê hương Nam Đàn ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thái Thơm