image banner
  ĐĂNG NHẬP  
Nỗ lực hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh

Hoàng Thị Thu Hiền

Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN tỉnh

Trong nửa đầu nhiệm kỳ qua, với quyết tâm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX vào cuộc sống, Hội LHPN các cấp đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo triển khai các chương trình hành động hiệu quả, khơi dậy nội lực của mỗi cán bộ, hội viên trong triển khai nhiệm vụ. Các cấp Hội đã cụ thể hóa phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, các khâu đột phá: “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp thành công”; “Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin”, “Xây dựng cơ sở Hội vững mạnh, đồng hành cùng chi hội, tổ phụ nữ” phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Triển khai có hiệu quả Chương trình “mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương”; tập trung chỉ đạo, xây dựng hiệu quả các mô hình điểm gắn với triển khai các chương trình, đề án, dự án nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội tại địa phương.

Đa dạng hóa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ

Các cấp Hội tập trung tuyên truyền tới các tầng lớp phụ nữ Nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chương trình, Nghị quyết của các cấp Hội; kiến thức, kỹ năng cần thiết trong giai đoạn Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống, xây dựng gia đình hạnh phúc. Hội đổi mới các hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp với đặc điểm từng đơn vị, vùng miền, từng nhóm đối tượng phụ nữ, gắn giáo dục truyền thống với hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của Hội nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa trong cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân. Hội đã tổ chức nhiều hoạt động lớn, thu hút đông đảo hội viên tham gia, như: Hội LHPN tỉnh tổ chức Hội thi tìm hiểu Nghị quyết Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn Quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội phụ nữ tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 bằng hình thức trực tuyến, tổ chức Lễ hội “Tự hào áo dài Việt Nam”, Hội thi “Hát ru, hát dân ca lần III” tại 04 Cụm thi đua trong tỉnh, Chương trình “ Mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương”... Trong 03 năm, các cấp Hội đã tổ chức được hơn 6.000 hoạt động tuyên truyền, giáo dục với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Phát động các phong trào thi đua theo chủ đề, chủ điểm nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của Hội, của đất nước như: Phong trào “Phụ nữ Quỳ Hợp vì phụ nữ và trẻ em nghèo, vì môi trường xanh, sạch đẹp”, “Phụ nữ Anh Sơn giữ gìn câu hát dân ca”, “Phụ nữ Nghi Lộc: mỗi phụ nữ một cây xanh; mỗi cơ sở Hội - một công trình cây xanh - công trình vườn cây phụ nữ”, “Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao”…Tuần lễ tôn vinh áo dài Việt Nam, các cuộc thi ảnh đẹp Online “Tự hào, duyên dáng áo dài Việt Nam”, tổ chức thi trình diễn áo dài … thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia. Nhiều đơn vị đã thành lập "Tủ áo dài truyền thống không đồng", “1000 áo dài tặng nữ công nhân viên chức” với trên 3.500 bộ áo dài để hỗ trợ hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn chưa có áo dài. 

 
Anh-tin-bai

Tác phẩm dự thi tại "Hội thi Hát ru hát dân ca" do Hội LHPN tỉnh tổ chức tại 03 cụm thi đua. Ảnh Vương Giang 

Các cấp Hội quan tâm đa dạng hóa các kênh tuyên truyền như: Phối hợp với các cơ quan truyền thông để đưa tin, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự về hoạt động Hội; tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử, bản tin Phụ nữ Nghệ An, khai thác hiệu quả hệ thống mạng xã hội để kịp thời định hướng thông tin, nắm bắt dư luận xã hội, chuyển tải hoạt động của cấp tỉnh, huyện, cơ sở đến với hội viên, phụ nữ, với công chúng.

Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, chú trọng phát triển mạng lưới, thu hút hội viên, thành viên

Để góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX và Nghị quyết Đại hội Phụ nữ các cấp, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã quyết liệt trong đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, tập trung xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch hành động thực hiện phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của hội viên, phụ nữ.

Thực hiện khâu đột phá “Tập trung xây dựng cơ sở hội vững mạnh, đồng hành cùng chi hội, tổ phụ nữ”, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục tập trung các nguồn lực vào những đơn vị khó khăn, để triển khai các hoạt động phù hợp, hỗ trợ, củng cố, nâng cao chất lượng, mở rộng các loại hình tập hợp phụ nữ theo phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”. Trên cơ sở đó, các cấp Hội tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, triển khai nhiều hình thức sinh hoạt phù hợp với nhu cầu mong muốn của các đối tượng phụ nữ, tập trung hướng về cơ sở, nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi hội. Hội LHPN tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình "Xây dựng cơ sở Hội vững mạnh, đồng hành cùng chi hội, tổ phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, biên giới" tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, mô hình “Hỗ trợ mô hình sinh kế cho phụ nữ nghèo vùng biên giới” tại bản Pà Khốm, xã Tri Lễ huyện Quế Phong. Các cấp Hội đã thành lập mới trên 190 mô hình, câu lạc bộ, trong đó có gần 90 mô hình tập hợp, thu hút hội viên vùng đặc thù như: Mô hình “Tập hợp, thu hút hội viên người cao tuổi/Cán bộ, công chức, viên chức vào sinh hoạt Hội”; "Thu hút hội viên nữ cán bộ CNVC tham gia sinh hoạt Hội"; “Tập hợp, thu hút hội viên, phụ nữ vùng giáo tham gia tổ chức Hội”...

Từ các hoạt động thiết thực trên đã tạo cho hội viên, phụ nữ tin tưởng và tích cực tham gia vào tổ chức Hội, thường xuyên tham gia các hoạt động do Hội và địa phương tổ chức. Tính đến nay toàn tỉnh có 460 cơ sở Hội, 3.836 chi hội phụ nữ với hơn 600 nghìn hội viên phụ nữ, (trong đó hội viên vùng dân tộc thiểu số hơn 76 nghìn, hội viên là đồng bào theo đạo Công giáo hơn 31 nghìn hội viên).

Công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh

Xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh là nhiệm vụ xuyên suốt được các cấp Hội quan tâm đẩy mạnh. Trong đó, tập trung tuyên truyền mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp gắn với các nhiệm vụ của tổ chức Hội. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả trong tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với các văn bản dự thảo chương trình, đề án của địa phương. Trong gần 03 năm qua; các cấp Hội Phụ nữ toàn tỉnh đã tổ chức 361 hội nghị; tham gia góp ý, phản biện trực tiếp gần 1.000 dự thảo văn bản từ Trung ương đến cơ sở liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em, gia đình và bình đẳng giới.

Việc thực hiện Đề án 01- ĐA/TU về “Xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ, giai đoạn 2016 - 2020” cũng được đẩy mạnh. Nhờ vậy, trong nửa nhiệm kỳ qua, Hội đã giới thiệu 2.453 hội viên nữ nông thôn ưu tú cho Đảng bồi dưỡng và kết nạp được 1.735 nữ đảng viên. Các cấp Hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động lựa chọn, đăng ký với cấp ủy, chính quyền đảm nhận gần 2.000 công trình, phần việc xây dựng NTM, NTM nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu như: Công trình "Hàng cây Phụ nữ", "Tuyến đường hoa", “Tuyến đường cờ"; Mô hình "Làm bồn hoa xóa điểm rác", “Nhà sạch, vườn đẹp”, “Vườn mẫu liền kề”, “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, “Sản xuất sạch, tiêu dùng sạch”, “Ngôi nhà xanh tiết kiệm”; “Thay đồng phục cho thùng rác công cộng”, …đã góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, từng bước thay đổi diện mạo thành thị, làng quê.

Anh-tin-bai

Mô hình vườn đẹp liền kề kiểu mẫu tại xã Quành thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Ảnh Vương Giang

Hội LHPN Hội LHPN tỉnh đã chủ động, sáng tạo trong thực hiện Nghị định số 56/2012/NĐ-CP ngày 16/7/2012 của Chính phủ nhằm phát huy vai trò của các cấp Hội trong tham gia quản lý nhà nước. Hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 02 Đề án: “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia phân loại, xử lý rác thải tại nguồn và hạn chế sử dụng túi ni lông trên địa bàn tỉnhNghệ An giai đoạn 2023-2027" và Tuyên truyền, vận động hỗ trợ phụ nữ xây dựng sản phẩm OCOP; quảng bá, kết nối tiêu thụ hành hóa góp phần phát triển kinh tế địa phương giai đoạn 2023 - 2027”.

Anh-tin-bai

Mô hình "Ngày chủ nhật yêu thương" - Thu gom phế liệu gây quỹ hỗ trợ chương trình mẹ đỡ đầu của Hội LHPN phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh. Ảnh Vương Giang

 

Cùng với đó, các cấp Hội luôn bám sát cơ sở, sẵn sàng vào cuộc đồng hành cùng hội viên, phụ nữ để tháo gỡ khó khăn, tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm. Qua đó, khẳng định vai trò quan trọng, tiên phong của phụ nữ trong công cuộc vượt khó, từng bước hiện thực hóa những mục tiêu của Nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống một cách toàn diện, hiệu quả, nhanh chóng.

Khẳng định quyền năng kinh tế của phụ nữ

Trong nửa nhiệm kỳ qua, thực hiện khâu đột phá “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp thành công” đồng thời nâng cao hiệu quả triển khai Đề án 939 Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; hằng năm, Hội LHPN tỉnh tổ chức “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” và cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp thu hút sự tham gia tích cực của các tập thể, cá nhân trên địa bàn; có 116 ý tưởng dự thi cấp tỉnh, 35 ý tưởng dự thi cấp Trung ương và 49 ý tưởng dự tham gia cuộc thi do UBND tỉnh tổ chức; có 26 ý tưởng đã đạt tốp các ý tưởng xuất sắc và đạt giải các cấp; tổ chức 03 lớp tập huấn nâng cao năng lực hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp cho 300 cán bộ Hội cấp tỉnh, huyện; hỗ trợ cho gần 1.500 ý tưởng tham gia các cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do các cấp Hội tổ chức được hiện thực hóa. Hỗ trợ được cho 351 ý tưởng kết nối tiếp cận nguồn vốn với số vốn là 18.306 triệu đồng, trong đó có 88 HTX/DN do phụ nữ tham gia quản lý được hỗ trợ khởi nghiệp. Hoạt động mô hình kinh tế tập thể cũng được quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả, từ 2021 đến nay các cấp Hội đã thành lập được 9 hợp tác xã, 58 Tổ hợp tác, 25 tổ liên kết; hỗ trợ nâng cao năng lực cho 156 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, 801 phụ nữ là chủ hộ kinh doanh, 29 phụ nữ là quản lý HTX; hỗ trợ đào tạo, tư vấn, kết nối, tiếp cận thông tin, thị trường cho 570 doanh nghiệp nữ; hỗ trợ thành lập mới 41 doanh nghiệp nữ.

Bên cạnh đó, các cấp Hội phụ nữ của tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan mở các lớp dạy nghề và giới thiệu tham gia học nghề cho hơn 30.000 lao động nữ. Từ đó, đã có hơn 23.000 lao động có việc làm với thu nhập từ 3,5 - 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Hội phụ nữ các cấp đã phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 16.000 lao động nữ trên địa bàn đi làm tại các công ty may mặc, các khu công nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn và xuất khẩu lao động. Thông qua những chương trình, hoạt động hiệu quả trên, phụ nữ Nghệ An, đặc biệt tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số đã tìm cho mình một sinh kế thoát nghèo bền vững. Góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của các địa phương nói riêng, toàn tỉnh nói chung. Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã chủ động khai thác các chương trình, dự án mới, duy trì hiệu quả hoạt động ủy thác cho vay vốn từ Ngân hàng CSXH, tín chấp với Ngân hàng NN&PTNT, đến nay với tổng nguồn vốn là 3.888 tỷ 875 triệu đồng cho 95.469 hộ vay. Đồng thời phối hợp với Tổ chức Tài chính vi mô để triển khai hiệu quả hoạt động tại 14/21 huyện, thành, thị.

Chủ động, sáng tạo, quyết tâm cao trong công tác chuyển đổi số

Nhận thức đúng và đủ tầm quan trọng của công cuộc chuyển đổi số khi đất nước bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã khẳng định: “Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, toàn diện, mang tính đột phá, yêu cầu sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu và sự tham gia của toàn dân”.

Từ ý nghĩa đúng đắn, kịp thời của Nghị quyết, các cấp Hội Phụ nữ trên toàn tỉnh tận dụng tối đa lợi thế của mạng xã hội để tạo sự liên kết, thuận tiện trong nắm bắt, trao đổi thông tin và triển khai nhiệm vụ. Hội LHPN tỉnh triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi như: Tổ chức hội nghị tập huấn chuyển đổi số trong hệ thống Hội, cách sử dụng phần mềm quản lý cán bộ, hội viên, phụ nữ và phần mềm báo cáo tổng hợp thống kê cho cán bộ Hội LHPN các cấp. Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh cũng đã tích cực xây dựng kế hoạch thực hiện có hiệu quả khâu đột phá về “Ứng dụng công nghệ thông tin thúc đẩy chuyển đổi số trong các cấp Hội phụ nữ Nghệ An giai đoạn 2023 - 2027”. Nhiều mục tiêu cụ thể được đặt ra như: Duy trì, xây dựng thực hiện phần mềm quản lý hội viên; triển khai phần mềm chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm OCOP, quản lý, theo dõi sản phẩm đang kinh doanh trên trang chủ của ứng dụng, kết nối cung cầu, 100% Hội phụ nữ cơ sở được trang bị máy vi tính, máy in phục vụ hoạt động Hội; 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản trong công tác Hội; Hội LHPN tỉnh và các huyện, thành, thị cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong hoạt động Hội. Với sự quyết tâm cao độ của các cấp Hội hứa hẹn việc triển khai kế hoạch này sẽ tạo được bước đột phá trong công cuộc chuyển đổi số của phụ nữ đáp ứng nhu cầu mới của thời đại.
         Với quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra, các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã chung sức, đồng lòng triển khai nhiều công trình, phần việc ý nghĩa. Từ đó, khẳng định vị trí, vai trò của phụ nữ trong hiện thực hóa các mục tiêu chính trị quan trọng đề ra trong Nghị quyết.

 

 

 

THÔNG BÁO
VIDEO - CLIP
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1