image banner
  ĐĂNG NHẬP  
Mẹ đỡ đầu - Hành trình kết nối, yêu thương

Sau 02 năm triển khai Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, từ tháng 10/2021 đến cuối tháng 10/2023, trên địa bàn tỉnh Nghệ An 1.771 trẻ em mồ côi đã tìm thấy cho mình niềm hạnh phúc ấm áp đến từ những người mẹ thứ hai của mình.

Lan tỏa giá trị cuộc sống, tính nhân văn của Chương trình

Năm 2022, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức Chương trình “Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương”; tại buổi lễ, có 32 tổ chức, cá nhân ký cam kết nhận đỡ đầu hỗ trợ, chăm sóc cho 63 trẻ mồ côi, với tổng số tiền là 2,863 tỷ đồng. Đối với cán bộ cơ quan Hội LHPN tỉnh bên cạnh việc tổ chức, kết nối và vận động nguồn lực thực hiện Chương trình, tập thể, cá nhân cán bộ cơ quan đã nhận đỡ đầu 05 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hội LHPN tỉnh cũng tập trung chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai Chương trình “Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương” tới tất cả các cấp Hội trên địa bàn toàn tỉnh. Chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh và tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh thông tin của Hội, để lan toả giá trị cuộc sống, tính nhân văn của Chương trình đến toàn xã hội.

Anh-tin-bai

Thường trực Hội LHPN tỉnh Nghệ An cùng Hội LHPN huyện Đô Lương chuẩn bị bữa cơm ấm áp cùng với gia đình cháu Lam - Con đỡ đầu của các "mẹ". Ảnh Hoàng Trang

Trên tinh thần gương mẫu, nòng cốt nhằm khơi dậy phong trào nhiều cán bộ Hội đã trở thành những người “Mẹ đỡ đầu” của các trẻ mồ côi trên địa bàn, họ không chỉ là cầu nối mà còn là người trực tiếp vận động các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân các nhà hảo tâm làm mẹ đỡ đầu cho trẻ. Đối với cán bộ cơ sở họ còn là người chịu trách nhiệm giữ mối liên hệ chặt chẽ với các “Mẹ đỡ đầu” trong suốt thời gian các trẻ được nhận đỡ đầu. Bên cạnh đó, Chương trình nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền của các địa phương, đơn vị.

Tại thị xã Hoàng Mai, nhận được sự chỉ đạo của Cấp ủy ngay từ những ngày đầu với quan điểm chăm lo cho trẻ mồ côi trên địa bàn là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và của cả hệ thống chính trị. Thường trực Thị ủy chỉ đạo Hội LHPN chủ trì phối hợp với Liên đoàn Lao động và Phòng Lao động TB&XH thị xã rà soát trẻ mồ côi, kêu gọi sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp,...cùng chung tay thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương”. 02 năm qua, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã được các cấp Hội đồng lòng triển khai sôi nổi. Đến nay, 122 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được kết nối đến các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, cá nhân nhà hảo tâm nhận đỡ đầu trong giai đoạn 5 năm liên tục (từ năm 2022-2027), với tổng số tiền trên 2,2 tỷ đồng (chưa tính tiền quà tặng và nhiều hiện vật khác). Chương trình đã lan tỏa tới 63 cơ quan, đơn vị, 4 doanh nghiệp và 2 hội nhóm nữ doanh nghiệp, 9 cá nhân đăng ký nhận hỗ trợ, đỡ đầu.

Anh-tin-bai

Đồng chí Đàm Hữu Hồng - Phó bí thư Thường trực thị xã Hoàng Mai thăm và trao tiền hỗ trợ cho con do gia đình đồng chí nhận đỡ đầu. Ảnh CSCC

Còn tại Tương Dương, Hội LHPN huyện Chỉ đạo 17/17 cơ sở Hội tổ chức rà soát, khảo sát, lập danh sách thông tin về trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn để có kế hoạch giúp đỡ; đồng thời tham mưu cho Ban Thường vụ huyện uỷ ban hành Công văn chỉ đạo thống nhất chủ trương, cách làm và tranh thủ kết nối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân để vận động nguồn lực cho chương trình. Hội LHPN huyện đã đẩy mạnh và tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh thông tin của Hội; tổ chức chương trình Nghệ thuật trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc nhằm kết nối, gây quỹ hỗ trợ trẻ em mồ côi và phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; tích cực vận động, kết nối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện. Đến cuối tháng 10 năm 2023, có 167/261 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được nhận đỡ đầu với tổng số tiền cam kết hỗ trợ là gần 1,7 tỷ đồng và hàng tháng trợ cấp nhu yếu phẩm thiết yếu, đồ dùng học tập, xe đạp… với tổng trị giá 51.650.000 đồng.

Anh-tin-bai

Mô hình "Ngôi nhà xanh" gây quỹ mẹ đỡ đầu tại thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương. Ảnh Vương Giang

Chị Nông Thị Kim Tuyến - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tương Dương chia sẻ: Là huyện miền núi cao, đời sống còn nhiều khó khăn, việc vận động ủng hộ nguồn lực cho chương trình đôi khi còn hạn chế, chủ yếu là sự ủng hộ từ các cơ quan, đơn vị và người dân. “Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương” là chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, không chỉ giúp các con có thêm một người mẹ, mà còn có thêm nhiều người thân, thêm mái ấm gia đình với những tình cảm, sự quan tâm, chăm lo về vật chất và tinh thần, đem đến cho các con hy vọng, niềm tin vào cuộc sống; vì vậy mong muốn nhận được sự chung tay chia sẻ nhiều hơn nữa từ các doanh nghiệp, tổ chức, các nhà hảo tâm để chấp cánh những ước mơ, tương lai cho những em nhỏ còn bất hạnh”.

Ngoài các địa phương như thị xã Hoàng Mai, huyện Tương Dương, Hội phụ nữ Công an Nghệ An cũng là một trong những đơn vị quyết liệt và bài bản trong việc triển khai chương trình mẹ đỡ đầu. Từ việc rà soát, xác minh thông tin trẻ mồ côi cho đến công tác vận động, kết nối hỗ trợ, chăm sóc, đỡ đầu trẻ mồ côi đều được thực hiện chặt chẽ, đồng bộ và tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của lực lượng Công an trong lòng nhân dân, được cấp ủy, lãnh đạo các cấp ghi nhận, biểu dương. Vừa tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy, lãnh đạo các cấp; vừa kêu gọi, vận động cán bộ chiến sỹ, hội viên và gia đình cán bộ chiến sỹ trong lực lượng Công an cùng tham gia Chương trình; đến nay 55 cháu đã được Hội phụ nữ Công an nhận đỡ đầu. Ngoài ra, Hội Liên hiệp phụ nữ nhiều địa phương khác cũng triển khai sâu rộng và hiệu quả chương trình này. Có thể kể đến như huyện Quỳnh Lưu có 271 trẻ mồ côi đã được nhận đỡ đầu với tổng số tiền 1.265.400.000 đồng/năm; huyện Thanh Chương kết nối đỡ đầu 111 trẻ mồ côi, huyện Anh Sơn là 114 cháu, huyện Đô Lương là 93 cháu và Nam Đàn 95 cháu …Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh cũng rất tích cực phát động cán bộ trong lực lượng để nhận đỡ đầu hàng trăm trẻ mồ côi.

Triển khai các hoạt động nhằm duy trì hiệu quả Chương trình

Với mục tiêu “Trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn đều được có mẹ đỡ đầu, chăm sóc”, bên cạnh việc tuyên truyền rộng rãi Chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh truyền thông của Hội; các cấp Hội đã triển khai nhiều hoạt động gây quỹ cho chương trình bằng nhiều hình thức sáng tạo như: Quyên góp, vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm, xây dựng các mô hình "Thu gom phế liệu gây quỹ", “Ngày chủ nhật yêu thương”, "Rửa xe gây quỹ", "Bán hàng gây quỹ", “Hũ gạo tiết kiệm”, “Nuôi lợn tiết kiệm”, “Nhận cấy ruộng hoang gây quỹ”, “Chương trình văn nghệ gây quỹ”... góp gió thành bão từ những việc làm tưởng chừng như rất nhỏ ấy nhưng đã tạo thêm được nguồn kinh phí đáng kể vào nguồn quỹ chu cấp nhận đỡ đầu và chăm lo cho các cháu mồ côi. Đó cũng là hoạt động tiếp nối việc học tập và làm theo lời dạy của Bác về đức tính tiết kiệm và tình yêu thương con người.

Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí cho các con hàng tháng, các mẹ đỡ đầu hay các những người mẹ, người bà là cán bộ Hội phụ nữ thường xuyên động viên, thăm hỏi, tặng quà cho các con vào các lễ, tết, đầu năm học mới, hướng dẫn các con học bài, cùng đến nhà các con để nấu những bữa cơm ấm áp yêu thương. Có những người mẹ còn tổ chức cho các con tham gia các hoạt động về nguồn, tham gia học kỹ năng, học võ, tư vấn định hướng nghề nghiệp... tạo mọi điều kiện điều kiện tốt nhất để hỗ trợ cho các con được phát triển toàn diện trong môi trường gia đình và cộng đồng như bao trẻ em khác.

Thực tế cho thấy, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” tại Nghệ An đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ và đón nhận sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, trong tỉnh đồng hành cùng các cấp Hội phụ nữ.

Thời gian tới, để Chương trình "Mẹ đỡ đầu" ngày càng đi vào thực chất, đạt được hiệu quả bền vững, Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nghệ An mong muốn, các cấp Hội liên hiệp phụ nữ trong tỉnh cần chú trọng hơn nữa trong việc bồi dưỡng nâng cao năng lực của "Mẹ đỡ đầu", đặc biệt là các kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ, kỹ năng sống an toàn; kết nối tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề. Các cấp Hội kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình, hướng dẫn, điều phối nguồn hỗ trợ Chương trình “Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương” cũng như tham mưu, kiến nghị, đề xuất chính sách phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho trẻ mồ côi nhận được sự nuôi dưỡng, chăm sóc thay thế phù hợp để phát triển toàn diện cũng là những vấn đề cần được triển khai hiệu quả.

Anh-tin-bai

Mô hình "bán hàng gây quỹ mẹ đỡ đầu" tại thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương. Ảnh Vương Giang

Thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ, nắm bắt tình hình của trẻ để thông tin kịp thời đến các “Mẹ đỡ đầu” và đồng hành cùng các con trong những quyết định quan trọng và các bước ngoặt của cuộc đời... Tiếp tục làm tốt vai trò vận động, kết nối hỗ trợ cho trẻ em mồ côi, nhất là cán bộ Hội phụ nữ tại địa phương nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi cùng với gia đình và người đại diện quan tâm chăm sóc trẻ hàng ngày về sức khỏe, tâm lý, tình cảm…Đồng thời, cần lan tỏa rộng rãi tính nhân văn của chương trình và tăng cường kết nối, huy động nguồn lực, đặc biệt là sự vào cuộc tích cực, mạnh mẽ của các cấp ủy, chính quyền và các ngành để có được nguồn lực tổng hợp trong việc hỗ trợ, chăm sóc trẻ mồ côi khó khăn.

Anh-tin-bai

Ông Hoàng Trọng Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty đầu tư và thương mại Hoàng Gia Phát đến thăm và tặng quà cho 2 con do công ty nhận đỡ đầu. Hiện tại công ty đang nhận đỡ đầu 42 cháu tại huyện Nam Đàn với sỗ tiền 500.000/cháu/tháng, ngoài ra công ty còn tổ chức các hoạt động nhân dịp Tết trung thu, Tết cổ truyền, các ngày lễ, thường xuyên thăm hỏi và tặng quà cho các con, tạo điều kiện cho các con tham gia lớp học võ để rèn luyện sức khỏe cho những cháu có nhu cầu. Ảnh Vương Giang

Sau 02 năm triển khai Chương trình, 1.771 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh đã có mẹ nhận đỡ đầu (Hội LHPN tỉnh kết nối đỡ đầu 102 trẻ, Hội LHPN các huyện, thành, thị và các đơn vị lực lượng vũ trang kết nối đỡ đầu 1.669 trẻ. Trong đó, 100% số trẻ mồ côi do covid-19 đã được nhận đỡ đầu) với tổng nguồn lực vận động được theo Biên bản ghi nhớ giữa Mẹ đỡ đầu với gia đình trẻ/người chăm sóc thay thế là hơn 22,371 tỷ đồng. Trong đó, nguồn lực hỗ trợ thực tế trẻ mồ côi đã được nhận tính đến tháng 10/2023 là 13,543 tỷ đồng (gồm 11,525 tỷ đồng tiền mặt và 2,018 tỷ đồng là hàng hóa, đồ dùng quy đổi ra tiền mặt); thời gian đỡ đầu cho đa số trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh được các đơn vị, tổ chức, cá nhân cam kết đỡ đầu ít nhất là 3 năm, 5 năm và dài nhất là cho đến khi trẻ đủ 18 tuổi cùng với dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ nếu các con đậu vào trường đại học/cao đẳng/ học nghề.

Anh-tin-bai

Hội LHPN Công An huyện Thanh Chương nhận trao biển nhận đỡ đầu cháu ồ côi tại chương trình mẹ đỡ đầu kết nối yêu thương do Hội LHPN huyện Thanh Chương tổ chức. Ảnh CSCC

Với những nỗ lực đó, kỳ vọng Chương trình "Mẹ đỡ đầu” sẽ ngày càng lan tỏa và nhận được sự quan tâm, chung tay của cả cộng đồng để đạt được hiệu quả bền vững. Với các con - những đứa trẻ còn thiếu may mắn ấy sẽ có được điểm tựa vững chắc chính là những người mẹ thứ hai để các con có thể tự tin vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn, hướng về phía trước cùng với sự phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần.

Vương Giang

THÔNG BÁO
VIDEO - CLIP
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1