Dù khiếm khuyết một phần cơ thể và phải đối mặt với nhiều khó khăn, mất mát, nhưng có những người phụ nữ khuyết tật vẫn kiên cường đi qua sóng gió, thắp sáng cho cuộc sống bằng chính nghị lực của họ. Các chị đã vượt lên cảnh ngộ khó khăn để tạo lập hạnh phúc, biến những tuyệt vọng thành hy vọng và lan tỏa tình yêu và nghị lực sống đến những người xung quanh và cho cộng động.
Chị Nguyễn Thị Thanh thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An khi mới sinh ra cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng lọt lòng mẹ được 20 ngày thì bản thân bị mắc bệnh u máu, u bạch mạch sàn miệng. Chị đã trải qua nhiều lần phẫu thuật, vật lộn trong đau đớn để cắt bỏ khối u, bệnh tình không đỡ mà còn tái phát, di căn. Thương con người mẹ bồng bế đưa đi khắp nơi để điều trị, từ bệnh viện này đến bệnh viện khác chỉ mong tìm sự sống cho con. Suốt nhiều năm ròng rã điều trị, chiến đấu với tử thần, cơ thể chị Thanh ngày càng gầy yếu. Các cơ quan ở vùng miệng như lưỡi, xương quai hàm, hệ thần kinh bị tổn thương nặng dẫn đến mất khả năng phát âm, từ đó chị được gắn với biệt danh “Thanh ngọng”.
Chị Thanh (mặc áo đen) cùng gia đình và Hội LHPN huyện Quỳnh Lưu phát cháo tình thương tại bệnh viện huyện. Ảnh VG
Học hết lớp 5, một phần vì tự ti và khó khăn trong giao tiếp ngôn ngữ, một phần vì gia đình quá nghèo, chị nghỉ học để cùng mẹ chạy chợ bán rau, dưa muối, cá… để nuôi 5 anh chị em đi học.
Ý chí sinh tồn mãnh liệt trong người chị đã được mẹ nuôi dưỡng ngay từ khi chưa đầy tháng tuổi, vì vậy mặc dù chịu nhiều đau đớn vì bệnh tật, và những tổn thương về tinh thần nhưng gánh trên vai trách nhiệm của người chị cả trong gia đình nghèo, chị Thanh đã vượt qua tất cả để cùng mẹ tìm kế sinh nhai. Chị Thanh chia sẻ: Bản thân luôn trăn trở, suy nghĩ “Mình phải cố gắng thật nhiều để các em tiếp tục được đến trường”, vì vậy tôi quyết tâm phát triển kinh tế...
Năm 2015, cùng với những kinh nghiệm trong những ngày tháng “Buôn thúng bán mẹt” cùng mẹ, được Hội LHPN huyện Quỳnh Lưu hỗ trợ mô hình thu mua, bảo quản và cung ứng hải sản Chị đã mạnh dạn vay vốn mở cơ sở chế biến hải sản lấy tên “Thanh Ngọng”. Với nghị lực và quyết tâm khởi nghiệp chị đã trăn trở phải làm sao để phát triển thương hiệu hải sản Quỳnh Lưu và giúp ngư dân có đầu ra ổn định. Chị tìm tòi, học hỏi và đi khắp nơi để đưa các sản phẩm cá, mực đến với các thành phố lớn, tham gia các hội chợ, hội thảo hải sản ba miền Bắc - Trung - Nam để tìm hướng đi cho sản phẩm quê hương. Sau 8 năm bén duyên với nghề, bây giờ cơ sở hải sản “Thanh Ngọng” đã tìm được chỗ đứng trên thị trường, mỗi năm thu mua hàng nghìn tấn hải sản, giải quyết phần nào hải sản cho ngư dân huyện Quỳnh Lưu. Chị còn hợp tác cung ứng sản phẩm cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch và xuất khẩu ra nước ngoài. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, Chị đã mở rộng thành 2 cơ sở kho đông lạnh và chế biến hải sản, tạo việc làm cho hàng chục lao động với mức lương từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Chị Thanh đang kiểm hàng tại kho đông lạnh hải sản "Thanh Ngọng". Ảnh Vương Giang
Bản thân Chị là người con vùng biển và đồng hành với bà con nơi đây gần 20 năm nay, Chị hiểu rõ những vất vả của các chủ tàu thuyền khi xăng dầu, nhu yếu phẩm tăng cao. Vì vậy, những tàu thuyền mà Chị thu mua hải sản đều được Chị tạo điều kiện cho ngư dân ứng trước kinh phí để kịp thời ra khơi bám biển.
Để đưa được sản phẩm hải sản, đưa thương hiệu “Thanh Ngọng” tiếp cận được với nhiều khách hàng hơn nữa, Chị đã không ngừng học hỏi; đặc biệt là ứng dụng công nghệ số vào kinh doanh. Chị vừa kinh doanh buôn bán trực tiếp theo truyền thống vừa kinh doanh qua mạng xã hội như Faceboock, Zalo… phục vụ theo nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời nhanh nhạy tiếp cận các mặt hàng tươi ngon, nâng cao giá trị hàng hóa của sản phẩm góp phần hỗ trợ đầu ra chất lượng, ổn định phục vụ cho người tiêu dùng, nhằm phát triển bền vững thương hiệu Chị đã gây dựng.
Chị Thanh cùng nhân viên sơ chế hải sản tại kho đông lạnh "Thanh Ngọng". Ảnh Vương Giang
Song song với nỗ lực phát triển kinh tế, bản thân Chị vẫn thường xuyên đau ốm, nằm viện điều trị di căn của bệnh u máu, nhưng Chị vẫn luôn lạc quan, vui vẻ, truyền cảm hứng tích cực cho phụ nữ khởi nghiệp và có các hoạt động thiết thực hướng về cộng đồng.
Xuất thân từ gia đình khó khăn, đồng cảm chia sẻ với người nghèo, người cùng cảnh ngộ, với quan niệm “Cho đi là còn mãi”, chị đã trích nguồn lợi thu được từ kinh doanh để tham gia các hoạt động thiện nguyện như tặng quà, hỗ trợ mô hình sinh kế, nhận đỡ đầu trẻ mồ côi; … Thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” Chị đã tặng quà cho các gia đình khó khăn trên địa bàn huyện và các huyện miền núi Quỳ Châu, Quế Phong trên 200 suất quà trị giá từ 300.000đ - 500.000đ/1 suất; trong công tác phòng chống dịch Covid-19, Chị đã ủng hộ hàng trăm suất cơm cho bà con bị cách ly hưởng ứng chương trình “Cơm ấm niềm tin” do Hội LHPN huyện phát động và đồng hành ủng hộ phòng chống bão lụt cho bà con bị ảnh hưởng trên địa bàn huyện củng như ở các tỉnh Miền trung về nhu yếu phẩm như gạo, nước mắm, cá quần áo... Hoạt động thiện nguyện của Chị không chỉ trên địa bàn huyện, địa bàn tỉnh mà trên khắp cả nước. Hàng năm, Chị trích không dưới 200 triệu đồng đề hoạt động thiện nguyện, kết nối với những người bạn cùng kinh doanh hải sản trên khắp mọi miền đất nước.
Trong 5 năm qua, Chị đã trích hàng trăm triệu đồng từ lợi nhuận kinh doanh của gia đình và kêu gọi kết nối nhiều Nhóm thiện nguyện như nhóm “Trái Tim Xứ Nghệ” cùng những chuyến xe từ thiện không đồng; nhóm “Thiện nguyện Hải Sản Quỳnh Lưu”... trao tặng các suất quà cho các gia đình hộ nghèo, khó khăn gặp hoạn nạn trong cuộc sống nhân các ngày lễ Tết trị giá hàng tỷ đồng/năm.
Chị Thanh nhận đỡ đầu 1 cháu mô côi bố, mẹ bị khuyết tật tại xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu
Với các hoạt động thiện nguyện, Chị đã từng được nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Thị Mỹ Hoa tặng kỷ niệm chương tôn vinh “Nữ doanh nhân có trái tim vàng vì cộng đồng” và là một trong 30 điển hình phụ nữ khuyết tật vượt khó vươn lên được Hội LHPN tỉnh Nghệ An tôn vinh nhân dịp kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam 28/6 năm 2023. Với chị “Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không vượt qua được chính mình, bản thân chỉ mong muốn luôn được mạnh khỏe và làm được nhiều việc có ích cho gia đình và xã hội”.
Những người như chị Thanh dù không may mắn có được một cơ thể lành lặn, nhưng có một tâm hồn và những việc làm tốt đẹp. Họ như cây xương rồng trên cát, dù trong điều kiện sống khắc nghiệt nhất vẫn mạnh mẽ vươn lên và nở hoa.
Vương Giang