image banner
  ĐĂNG NHẬP  
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: “Thúc đẩy bình đẳng giới sẽ khuyến khích thế hệ trẻ khoan dung hơn, giảm tình trạng bạo lực”

 PV: Được biết, trong nội dung ký kết, phía Bộ GD&ĐT sẽ nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới (BĐG) cho cán bộ quản lý, giáo viên các bậc học giáo dục phổ thông, đẩy mạnh lồng ghép giới trong chương trình các bậc học… Xin bà cho biết, những nội dung này sẽ được triển khai như thế nào?

Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Nhận thức được tầm quan trọng của BĐG, trong khuôn khổ của hợp tác này, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung xây dựng các lớp tập huấn nâng cao năng lực thực hiện BĐG cho cán bộ quản lý, giáo viên các bậc học từ mầm non đến giáo dục phổ thông, đẩy mạnh lồng ghép giới trong chương trình các bậc học góp phần xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng.

Anh-tin-bai

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh

Để triển khai lồng ghép nội dung này trong các cơ sở giáo dục mầm non, năm 2022, Bộ GD&ĐT biên soạn tài liệu "Hướng dẫn giáo dục giới trong các hoạt động giáo dục cho trẻ mầm non" nhằm nâng cao nhận thức, cung cấp cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non các kiến thức, kĩ năng lồng ghép giới trong thực hiện chương trình tại cơ sở giáo dục mầm non; đồng thời giúp trẻ mầm non nhận thức phù hợp về giới, sự đa dạng giới; hình thành thái độ thừa nhận và tôn trọng sự khác biệt giới; phát triển kĩ năng tham gia xây dựng môi trường giáo dục có nhạy cảm giới trong lớp học, gia đình và cộng đồng gần gũi. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã xây dựng dự thảo Khung nội dung giáo dục giới, đưa vào các nội dung thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới và tài liệu Hướng dẫn thực hiện Chương trình.

Đối với giáo dục phổ thông, một số giải pháp mà Bộ đã thực hiện có thể kể đến như: Phối hợp với các cơ quan, phương tiện truyền thông nhằm phổ biến rộng rãi các thông tin và kiến thức về BĐG; xóa bỏ định kiến giới trong chương trình, sách giáo khoa, giúp nâng cao nhận thức của ngành Giáo dục nói riêng và của toàn xã hội chung về vấn đề giới trong sách giáo khoa; nghiên cứu, xây dựng nội dung về giới, BĐG, giới tính, sức khỏe sinh sản vào giảng dạy trong các cấp học; xây dựng và triển khai chương trình đưa nội dung về BĐG vào hệ thống bài giảng chính thức trong các cấp học; đổi mới phương pháp, hình thức dạy học nội dung về giới, BĐG, giới tính, sức khỏe sinh sản; Xây dựng nội dung về BĐG vào chương trình đào tạo sư phạm…

- PV: Nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện BĐG hiệu quả, cần trang bị kiến thức cho trẻ từ khi còn nhỏ. Bà nghĩ gì về điều này và lâu nay, việc này được thực hiện như thế nào trong nhà trường?

Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Chúng ta đều biết, khi một đứa trẻ được sinh ra, đứa trẻ đó hoàn toàn không có khái niệm phân biệt giữa nam và nữ. Định kiến về giới được đặt ra đối với trẻ bởi người lớn và những đứa trẻ lớn hơn cùng kỳ vọng của xã hội.

Thúc đẩy BĐG sẽ trao quyền cho tất cả trẻ em, giúp trẻ em nhận ra rằng các em cần có cơ hội bình đẳng, đồng thời khuyến khích thế hệ trẻ khoan dung hơn với những khác biệt, giảm thiểu tình trạng bạo lực, lạm dụng. Nếu nhận thức được điều này, chúng ta có thể khuyến khích BĐG và càng bắt đầu sớm thì càng có nhiều tác dụng.

Thời gian qua, các tổ chức quốc tế, trong đó có Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Bộ GD&ĐT có nhiều hoạt động liên quan đến việc hợp tác thực hiện Sáng kiến về BĐG và Giáo dục cho trẻ em gái tại Việt Nam. Các mục tiêu của Sáng kiến này đóng góp vào tiến bộ và thành quả của việc thực hiện ưu tiên toàn cầu của UNICEF về BĐG và tăng cường năng lực quốc gia để mở rộng các chương trình giáo dục có chất lượng cao đáp ứng giới và hỗ trợ mục tiêu phát triển bao trùm. Sáng kiến đã hoạt động theo khuôn khổ của Chương trình BĐG trên toàn cầu của UNICEF.

Hiện nay, giáo dục giới tính trở thành một phần không thể thiếu của một nền giáo dục có chất lượng. Trẻ em cần được trang bị những kiến thức sơ đẳng về giới tính và tình dục, giúp cho trẻ em bước đầu hiểu về giới tính và biết cách tự bảo vệ. Việc thiếu sự chuẩn bị không chỉ khiến trẻ dễ bị tổn thương trước hiện tượng bóc lột và các hậu quả tiêu cực khác, mà còn cho thấy sự thất bại của những người có trách nhiệm trong xã hội khi không hoàn thành được nghĩa vụ của mình đối với cả một thế hệ. Nếu chúng ta không đáp ứng lời kêu gọi của giới trẻ về một nền giáo dục giới tính toàn diện có chất lượng, chúng ta sẽ không thể đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững đã được đặt ra đến năm 2030, cũng như thực hiện cam kết "không bỏ ai lại phía sau".

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ đưa các nội dung này tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên các bậc học giáo dục phổ thông, bao gồm từ mầm non đến THPT.

Kỳ vọng trẻ em gái trở thành những hạt nhân tiêu biểu

- PV: Mục tiêu của Dự án 8 là phụ nữ, trẻ em vùng DTTS, miền núi tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn phải có cuộc sống tốt hơn, bình đẳng hơn. Xin bà cho biết, Bộ GD&ĐT đã và đang có sự quan tâm nào dành cho đối tượng này?

Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Trong giai đoạn 2015-2018, Bộ GD&ĐT đã thực hiện Sáng kiến về BĐG và Giáo dục cho trẻ em gái ở Việt Nam, với sự hỗ trợ của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) do Quỹ Malala của UNESCO về Quyền giáo dục cho Trẻ em gái tài trợ.

Sau khi thực hiện thành công Sáng kiến nói trên, Bộ GD&ĐT tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Quỹ Malala của UNESCO. Bộ GD&ĐT đã xây dựng và triển khai dự án "Chúng tôi Có thể" cùng sự phối hợp với UNESCO, Ủy ban Dân tộc, triển khai tại các tỉnh Hà Giang, Ninh Thuận, Sóc Trăng. Mục tiêu của dự án là nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục và hoàn thành việc học tập của trẻ em DTTS, đặc biệt là trẻ em gái tại các trường THCS và tăng cường cơ hội việc làm cho trẻ em gái và phụ nữ DTTS. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai Dự án này tại 3 tỉnh: Ninh Thuận, Cao Bằng và Kon Tum.

Anh-tin-bai

Ảnh minh họa

- PV: Trong kế hoạch phối hợp, Bộ GD&ĐT sẽ thành lập và vận hành mô hình "Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi" trong hệ thống các trường THCS của Dự án 8. Bà có thể cho biết cụ thể về nội dung này?

Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Năm 2023, Bộ GD&ĐT phối hợp với Hội LHPN Việt Nam tổ chức tập huấn nâng cao năng lực thành lập và vận hành mô hình "Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi" cho các trường THCS vùng Dự án 8 (các xã, thôn đặc biệt khó khăn). Đối tượng tham gia tập huấn là cán bộ quản lý của các Sở GDĐT, Phòng GDĐT; cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các trường THCS, bao gồm cả trường PTDTNT, PTDTBT. Trong đó, đặc biệt quan tâm là nâng cao năng lực cho lực lượng Tổng phụ trách Đội, Đoàn Thanh niên của các trường. Như vậy, sẽ có khoảng 300 cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán được tập huấn nội dung này trong năm nay. Tập huấn theo hình thức tập trung thành lớp học. Vùng Dự án 8 chia thành 3 khu vực: Bắc Bộ, Miền Trung- Tây Nguyên và Nam Bộ. Mỗi khu vực là 1 khóa tập huấn. Sau khi được tập huấn, các Sở GDĐT và Phòng GDĐT cấp huyện sẽ tiếp tục hướng dẫn thành lập và vận hành mô hình "Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi" cho các nhà trường trong phạm vi quản lý.

Các hoạt động của CLB này nhằm tạo ra chuyển biến tích cực trong nhận thức về BĐG, xoá bỏ định kiến giới, từng bước thay đổi hành vi và thái độ ứng xử trong việc ngăn ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại trẻ em và các vấn đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản học sinh THCS… Chủ thể của các hoạt động trong CLB là trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, kỳ vọng sẽ là những hạt nhân tiêu biểu lan tỏa nhận thức và hành động đến các trẻ em khác. CLB cũng gia tăng các hoạt động để trẻ em gái DTTS trải nghiệm và phát huy các sở trường của mình.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

Cuối tháng 5/2023, Bộ GD&ĐT và Hội LHPN Việt Nam đã ký kết Kế hoạch phối hợp thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em". Kế hoạch kéo dài từ tháng 5/2023 đến ngày 31/12/2025 với 3 nội dung chính:

- Lồng ghép giới trong chương trình giáo dục các bậc học phổ thông;

- Triển khai thành lập mới và vận hành CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" trong hệ thống các trường THCS thuộc địa bàn dự án 8;

- Giám sát và đánh giá thực hiện bình đẳng giới trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 (dự án thành phần do Bộ GD&ĐT chủ trì); giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho ngành dọc triển khai các nhiệm vụ phối hợp gắn với chuyên môn của ngành.


THÔNG BÁO
VIDEO - CLIP
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1