image banner
  ĐĂNG NHẬP  
Hiệu quả từ mô hình hỗ trợ cộng đồng phòng chống mua bán người trên địa bàn huyện Tương Dương

    Tương Dương là một huyện miền núi nằm ở phía Tây của Tỉnh Nghệ An, phụ nữ chiếm 51% dân số và chiếm 48% lực lượng lao động. Toàn huyện có 12.674 hội viên, trong đó có 11.879hội viên người dân tộc thiểu số. Các tầng lớp phụ nữ Tương Dương luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy tinh thần đoàn kết, cần cù, chịu khó hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội có nhiều đóng góp trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong thực hiện mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Tuy nhiên, là một huyện nghèo của tỉnh, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn; nhận thức hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, tập tục lạc hậu, tình trạng thiếu việc làm, dư thừa lao động còn nhiều, nên việc vi phạm các tệ nạn xã hội, đặc biệt là nạn mua bán người vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.

    Trước tình hình đó, đầu năm 2015, thực hiện chỉ đạo của Hội LHPN tỉnh Nghệ An, Hội LHPN huyện Tương Dương ra mắt mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng chống mua bán người” làm điểm tại bản Tam Bông, xã Tam Quang, huyện Tương Dương với 14 thành viên là các chi hội trưởng ở cấp cơ sở.

    Xã Tam Quang, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An là xã biên giới rẻo cao có diện tích tự nhiên 37.523,53 ha, dân số 1.870 hộ, có 7.399 người với 05 dân tộc anh em cùng sinh sống (gồm Thái, Kinh, Khơ Mú, Đan Lai và Tày Poọng) trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 73,45%, trình độ dân trí thấp, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn… Toàn xã có 11 bản, làng trong đó có 03 bản nằm ở khu vực biên giới. Có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào dài hơn 21km và nhiều đường tiểu ngạch vào khu vực biên giới; ngoài ra còn có đường QL 7A và QL 48B chạy qua địa bàn.

    Mô hình đi vào hoạt động hiệu quả, thu hút ngày càng nhiều Hội viên tham gia (tính đến nay đã có 97 thành viên); thường xuyên duy trì và tổ chức các đợt sinh hoạt theo định kỳ với nhiều nội dung phong phú như: Tổ chức nói chuyện chuyên đề, xem phóng sự, hái hoa dân chủ, giao lưu văn nghệ, đánh giá về kết quả hoạt động của câu lạc bộ, trong đó tập trung vào công tác rà soát số hội viên hoàn cảnh gia đình khó khăn để có kế hoạch hỗ trợ cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình để ổn định cuộc sống, hỗ trợ ngày công cho các gia đình đơn thân, ốm đau lâu dài,…

    Sau 07 năm thực hiện, đến nay mô hình tại xã Tam Quang đã phối hợp tổ chức được hơn 60 đợt tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, với hơn 7.000 lượt người tham gia. Đồng thời, thường xuyên nắm chắc số đối tượng nghi hoạt động liên quan đến mua bán người hoặc đưa người đi lao động bất hợp pháp, thống kê số đối tượng nghi có liên quan phạm tội mua bán người để theo dõi; thống kê số đối tượng đi làm ăn xa để nắm và quản lý. Năm 2014 có 179 người đi lao động bất hợp pháp ở nước ngoài, sau khi mô hình được triển khai và đi vào hoạt động thì hiện nay trên địa bàn không còn xảy ra hiện tượng đi lao động bất hợp pháp.

Anh-tin-bai

Hội LHPN huyện Tương Dương phối hợp tổ chức truyền thông di cư an toàn và phòng chống mua bán người. Ảnh. BD

    Xuất phát từ hiệu quả mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng chống mua bán người” tại bản Tam Bông, xã Tam Quang; Hội LHPN huyện đã nghiên cứu đặc thù, nét tương đồng của các xã để trên địa bàn huyện để nhân rộng mô hình; trong đó Bản Minh Thành xã Lượng Minh được lựa chọn là bản đầu tiên để huyện triển khai nhân rộng mô hình. Bản cách trung tâm xã 17 km, ở vị trí dọc theo trục đường liên xã Lượng Minh - Bảo Thắng - Chiêu Lưu (Kỳ Sơn), phía tây giáp ranh giới bản Chằm Puông, phía nam giáp xã Lưu Kiền, phía bắc giáp xã Bảo Thắng, địa hình tự nhiên và rừng núi dốc đứng, tổng số 82 hộ, với 307 nhân khẩu, chỉ có một dân tộc Thái cùng sinh sống. Người dân ở đây trình độ dân trí còn thấp, nhẹ dạ, cả tin, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, chủ yếu làm nông nghiệp, nhu cầu tìm kiếm việc làm cao. Nắm bắt được nhu cầu đó các đối tượng phạm tội mua bán người đã tìm cách tạo mối quan hệ, móc nối với số đối tượng tại địa phương để tiếp cận dụ dỗ, lôi kéo nhất là những cô gái mới lớn, gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, con cái không có điều kiện học hành, bỏ học, không có việc làm ổn định để lừa gạt đưa họ đến các cơ sở dịch vụ việc làm như: nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke, massage, cắt tóc, gội đầu với lời hứa hẹn làm việc với thu nhập cao, nhưng thực chất là tìm cách bán cho các đối tượng là chủ nhà hàng để ép buộc làm gái mại dâm để thu lợi bất chính. Cá biệt một số gia đình do thiếu hiểu biết đã bị các đối tượng lừa cho con gái sang Trung Quốc lấy chồng và được các đối tượng cho một khoản tiền. Vì hám lợi trước mắt, không ít ông bố, bà mẹ nghe theo những lời “đường mật” của kẻ buôn người, ép con mình theo họ sang Trung Quốc lấy chồng. Do đó, tình hình tội phạm nói chung, tội mua bán người nói riêng diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng về số vụ, tính chất nghiêm trọng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự. Tội phạm mua bán người đã trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người….

    Trước tình hình thực tế đó, Hội LHPN huyện đã thành lập mô hình hỗ trợ cộng đồng phòng chống mua bán người tại bản Minh Thành, xã Lượng Minh với số thành viên ban đầu là 20 thành viên. Qua 05 năm hoạt động, với nhiều hình thức tổ chức sinh hoạt cũng như vận dụng triệt để mạng xã hội để làm công cụ truyền thông hiệu quả. Đến nay, tại bản Minh Thành không còn xảy ra tệ nạn mua bán người cũng như giảm hẳn các tệ nạn xã hội trên địa bàn.

    Để đạt được những kết quả tích cực đó, ngoài việc tổ chức sinh hoạt thường xuyên theo định kỳ, các đơn vị còn đặc biệt vận động những chị em là nạn nhân bị mua bán trở về, hoặc những chị em chưa bị mua bán nhưng là đối tượng bị lừa đi lao động để làm tuyên truyền viên cho Hội. Đó chính là những câu chuyện truyền thông thiết thực nhất để bà con nhân dân cũng như chị em hội viên hiểu rõ tính chất nguy hiểm của việc đi lao động “chui” hay việc thiếu hiểu biết dẫn đến hậu quả phải gánh chịu. Điển hình như câu chuyện của chị Lô Thị Mày, chi hội trưởng chi hội phụ nữ bản Tam Bông, xã Tam Quang. Năm 2014, chị bị lừa đi Trung Quốc làm ăn có thu nhập cao, tuy nhiên đi làm được 4 tháng chị không được người sử dụng lao động trả lương như đã hứa. Nhận thấy có thể đã bị lừa, chị tìm cách và may mắn trốn về được Việt Nam. Năm 2018, được sự vận động của Hội LHPN xã và sự tín nhiệm của chị em hội viên, chị được chi hội bầu làm chi hội trưởng chi hội phụ nữ. Nhận thức được việc phải trở thành một chi hội trưởng gương mẫu, sau khi được tín nhiệm, chị tích cực phát triển kinh tế gia đình, mạnh dạn vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội để kết hợp chăn nuôi và trồng rừng, từ đó chị có cơ sở để tích cực tuyên truyền vận động hội viên phát triển kinh tế gia đình ở quê hương, không nghe theo lời dụ dỗ đi làm ăn xa không có địa chỉ cụ thể. Chị nói “Muốn tuyên truyền được cho chị em và bà con nhân dân thì trước hết mình phải làm gương, tìm cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo thì đi nói chị em mới ủng hộ, nghe theo mình”.

    Chị Pay Thị Huyền tại bản Na Bón, xã Yên Na thì chị chính là người từng tham gia vào đường dây môi giới người qua biên giới bất hợp pháp. Tuy nhiên, chưa kịp thực hiện hành vi thì chị bị công an bắt và phải trả giá cho hành vi của mình bằng 02 năm tù giam. Sau khi mãn hạn tù trở về địa phương, chị lại được chính tổ chức Hội giúp đỡ hòa nhập cộng đồng bằng cách vận động tham gia các hoạt động Hội, tư vấn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế và trở thành một tấm gương tốt trong phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo tại địa phương. Chính chị, người đã từng lầm lỗi giờ đây lại trở thành một tuyên truyền viên tích cực nhất trong việc đem đến câu chuyện thực tế nhất mà chị là người tham gia để cảnh báo cho bà con nhân dân, chị em hội viên về những âm mưu, thủ đoạn mà tội phạm mua bán người thường sử dụng.

    Đến nay, trên địa bàn huyện Tương Dương có tổng 05 mô hình hỗ trợ cộng đồng phòng chống mua bán người tại các địa bàn được coi là điểm nóng của tệ nạn xã hội, tại các xã Tam Quang, Lượng Minh, Xá Lượng, Nga My Yên Hòa với hơn 300 thành viên. Định kỳ tại các buổi sinh hoạt, thành viên mô hình được nghe tuyên truyền về các đường lối, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, các nội dung liên quan đến diễn biến của các tệ nạn xã hội trên địa bàn xã, huyện để nắm bắt tình hình và truyền đạt lại cho con em trong gia đình không tham gia. Hội LHPN huyện còn chủ động phối hợp với Công an huyện, Phòng Tư pháp huyện mời báo cáo viên trao đổi về công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Qua đó, giúp bà con nhân dân và chị em hội viên phần nào nắm được những quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người cũng như cách thức, âm mưu thực hiện hành vi mua bán người của tội phạm hiện nay, góp phần giảm thiểu tình trạng bị lừa đi lao động bất hợp pháp cũng như bị mua bán. Bên cạnh đó, Hội phụ nữ còn vận động người dân hỗ trợ, giúp đỡ, không kỳ thị với những nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập với cộng đồng; hướng dẫn cho phụ nữ, trẻ em bị mua bán làm các thủ tục hưởng chính sách hỗ trợ tư vấn tâm lý, pháp lý, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu và hỗ trợ vay vốn xóa đói giảm nghẻo. Nhiều chị em bước đầu đã vượt qua khó khăn, định hình được công việc và có thu nhập.

    Bên cạnh đó, nhận được sự quan tâm của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, tổ chức UN WOMEN và Hội LHPN tỉnh Nghệ An đã đến động viên, tham hỏi và trao quà cho 125 hội viên, phụ nữ di cư trở về trên địa bàn 03 xã: Xá Lượng, Lượng Minh và thị trấn Thạch Giám. Hội LHPN tỉnh Nghệ An và tổ chức hỗ trợ di cư quốc tế IOM, thăm hỏi tặng quà, hỗ trợ hội viên di cư từ nước ngoài trở về địa phương gặp khó khăn; trao gói hỗ trợ sinh kế là 02 con bò giống trị giá 26 triệu đồng cho các 02 trường hợp di cư từ nước ngoài về địa phương tại bản Na Bè và Bản Lở, xã Xá Lượng; hỗ trợ cho 4 hội viên các nhu yếu phẩm; hỗ trợ chi phí đi khám bệnh cho 02 hội viên tại xã Xá Lượng và Nhôn Mai. Tổng các gói hỗ trợ cho 7 trường hợp tại xã  Xá Lượng và Nhôn Mai trên 40 triệu đồng.

    Với mục tiêu “phòng là chính”, nhằm góp phần giảm được số nạn nhân bị mua bán, giúp cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn biết cách tự bảo vệ bản thân, gia đình và tố giác tội phạm, mô hình Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người đang phát huy hiệu quả hết sức tích cực, đồng thời là một kênh thông tin giúp cho Hội nắm bắt được tình hình nạn nhân trên địa bàn để có phương án hỗ trợ phù hợp. Để tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình, trong thời gian tới, Hội tiếp tục tăng cường chỉ đạo Hội phụ nữ các xã đổi mới, làm phong phú hơn hình thức hoạt động, đồng thời rà soát, nghiên cứu tình hình địa phương đang có diễn biến phức tạp về tệ nạn xã hội, đặc biệt là nạn mua bán người để nhân rộng mô hình, góp phần giảm thiểu tình trạng hội viên, phụ nữ, đặc biệt là trẻ em thiếu kiến thức, kỹ năng trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Bích Diệp

THÔNG BÁO
VIDEO - CLIP
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1