image banner
  ĐĂNG NHẬP  
Thực trạng và giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn huyện miền núi Nghệ An

    Nghệ An là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số với hơn 491.000 người. Đồng bào DTTS chủ yếu sinh sống ở các huyện miền núi cao, các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, điều kiện kinh tế khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Tình trạng học sinh bỏ học còn diễn ra, phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn khá nặng nề ở nhiều nơi. Từ thực trạng kinh tế, xã hội nói trên nên tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn đáng lo ngại.

Những hủ tục còn đeo bám

    Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, tình trạng tảo hôn xảy ra chủ yếu trong vùng đồng bào Mông, Khơ Mú, Thái. Cá biệt, có những cặp hôn nhân cận huyết thống là người Mông, Đan Lai; vẫn còn tình trạng học sinh bỏ học để kết hôn. Những con số minh chứng đáng lo ngại: Theo báo cáo của UBND huyện Kỳ Sơn, năm 2021 tại huyện có 104 cặp vợ chồng tảo hôn, đến năm 2022 và quý I/2023 là 388 người, cá biệt có 02 người hôn nhân cận huyết, Tình trạng này diễn ra ở hầu hết các xã, trong đó phổ biến nhất ở các xã: Mường Lống, Nậm Càn, Tây Sơn, Huồi Tụ... Trường THCS dân tộc bán trú Mường Lống, huyện Kỳ Sơn có 345 học sinh. Sau dịp Tết Nguyên đán 2023, có 22 học sinh kết hôn, trong đó 15 em bỏ học vì lý do lấy chồng, lấy vợ. Trong số học sinh bỏ học kết hôn có những em lấy chồng còn chưa đủ 13 tuổi. Tương Dương có 45 trường hợp tảo hôn trong đó số trường hợp tảo hôn cả vợ và chồng là 17 trường hợp. Huyện Con Cuông, từ năm 2020-2022, có 27 cặp tảo hôn. Đáng buồn là độ tuổi tảo hôn ngày càng “trẻ hóa” ở con số 13-14.

 

Anh-tin-bai

Buổi truyền thông phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết tại huyện Con Cuông. Ảnh CTV

    Nguyên nhân dẫn đến thực tế này, là do ảnh hưởng từ những quan niệm, phong tục, tập quán lạc hậu những hủ tục như hứa hôn của đồng bào DTTS, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới. Sự thiếu quan tâm quản lý, giáo dục con em của các bậc phụ huynh; nhất là các bậc phụ huynh do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn phải đi xa để làm ăn. Trình độ dân trí và nhận thức pháp luật về hôn nhân và gia đình của người ở đồng bào DTTS còn hạn chế, nhất là tư tưởng cho con có vợ, có chồng sớm để khỏi gánh nặng cha mẹ; sự can thiệp của chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn chưa mạnh mẽ, thiếu kiên quyết. Bên cạnh đó, người dân tộc Mông có tục bắt vợ, chỉ cần bước qua ngưỡng cửa nhà trai là người con gái đã mang tiếng một đời chồng. Hơn nữa, các cặp đôi lại nhận được sự đồng thuận từ gia đình, bởi chính bố mẹ, người thân của các em cũng lấy vợ, lấy chồng từ rất sớm. Mặt khác, các gia đình ép con lấy vợ, lấy chồng khi đang độ tuổi thanh thiếu niên (từ 15 - 16 tuổi) để có người phụ giúp gia đình và thêm lao động làm nương rẫy, lo cuộc sống hàng ngày…

Anh-tin-bai

Truyền thông bằng hình thức sân khấu hóa tại huyện Nghĩa Đàn. Ảnh CTV

    Thêm vào đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn gặp khó khăn do rào cản về ngôn ngữ, trình độ dân trí thấp dẫn đến hiệu quả không cao. Sự can thiệp, xử phạt vi phạm hành chính từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn có lúc thiếu kiên quyết; các chính sách, pháp luật về vấn đề hôn nhân và gia đình chưa được triển khai thực hiện hiệu quả ở vùng đồng bào DTTS; các bậc làm cha, làm mẹ chưa quan tâm đúng mức, nhiều gia đình buông lỏng trong quản lý con cái…

    Sau cuộc hôn nhân quá sớm, rất nhiều cô dâu đã hối hận và ước muốn được quay trở lại trường học. Nhưng vì hủ tục vẫn còn đè nặng trong tư tưởng của cộng đồng dân tộc, nên hầu hết vẫn chưa thực hiện được.

Giải pháp giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở Nghệ An

    Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động và đề ra giải pháp ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết rất được tỉnh Nghệ An quan tâm. Năm 2022, tỉnh Nghệ An tiếp tục thực hiện giai đoạn 2, Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015, về Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS, giai đoạn 2015-2025”. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh và sự quan tâm triển khai thực hiện của các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương, công tác tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách để tránh tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng DTTS ngày càng có nhiều chuyển biến.

Các cấp Hội tổ chức các hoạt động truyền thông phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết; Luật phòng chống bạo lực gia đình tập trung tại các xã xảy ra các trường hợp về tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Tổ chức tuyên truyền lồng ghép vào nội dung sinh hoạt câu lạc bộ, các mô hình, tổ chức các hội thi, hội diễn... như Hội thi “Gia đình điểm 10” tại huyện Kỳ Sơn, Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác Phòng chống tảo hôn và chỉ đạo giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên” tại huyện Quỳ Hợp,… Đồng thời phối hợp với Phòng Giáo dục & Đào tạo chỉ đạo các trường THCS, THPT đưa nội dung giáo dục giới tính và tuyên truyền sức khỏe sinh sản vị thành niên, phòng chống tảo hôn vào chương trình, nội dung giảng dạy của bộ môn Giáo dục công dân, các giờ học ngoại khóa, các buổi chào cờ đầu tuần... để tuyên truyền, quán triệt về công tác phòng chống tảo hôn và sức khoẻ sinh sản tuổi vị thành niên đến toàn thể học sinh. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động kết hợp giáo dục, định hướng nghề nghiệp. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, xã hội trong việc tuân thủ pháp luật; chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong hệ thống các trường học (THCS, THPT) trên địa bàn.

 

Anh-tin-bai

Lễ phát động phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết tại huyện Quỳ Hợp, Nghệ An. Ảnh CTV

    Bên cạnh đó, Hội LHPN các huyện phối hợp các ban, ngành thành lập 12 câu lạc bộ “Phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết” và 22 câu lạc bộ “Phòng chống tảo hôn” các xã có nguy cơ cao, thông qua câu lạc bộ nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh, sinh viên về Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, từ đó giúp cho người dân thay đổi nhận thức, hành vi về hôn nhân và gia đình theo quy định của pháp luật, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

    Các thành viên trong các mô hình, CLB ở cơ sở phát huy tốt vai trò của trong việc nắm bắt thông tin về các đối tượng có nguy cơ tảo hôn, các gia đình có ý định tổ chức cho con kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định. Kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có giải pháp tuyên truyền, vận động, tư vấn, giải thích trực tiếp đến các cháu, các gia đình về quy định của pháp luật, về những hậu quả của việc tảo hôn để các gia đình hiểu và dừng tổ chức đám cưới, huỷ hôn, tiếp tục cho con cái trở lại trường học. Đồng thời tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp đã tảo hôn. Nhờ đó, nhận thức của nhân dân nói chung và các bậc làm cha làm mẹ, các em học sinh đã có chuyển biến rõ nét.

 

Anh-tin-bai

Toàn cảnh Hội nghị truyền thông nâng cao nhận thức phòng chống nạn tạo hôn, hôn nhận cận huyết thống và phòng chống mua bán người tại xã Tam Đình, huyện Tương Dương. Ảnh CTV

     Cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh; nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đối với việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình. Hội LHPN các cấp thực hiện hiệu quả Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" nhằm thay đổi nết nghĩ, cách làm góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Đẩy mạnh và đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục về hôn nhân và gia đình; chú trọng hình thức tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các buổi truyền thông lưu động, sân khấu hóa, lồng ghép sinh hoạt câu lạc bộ. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa trong các trường học, các câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật; xây dựng các phóng sự, tin, bài phản ánh về hậu quả của tảo hôn, tổ chức các diễn đàn, hội thảo, hội thi tìm hiểu pháp luật và hoạt động tư vấn trợ giúp pháp lý miễn phí tại trung tâm và lưu động đến các điểm dân cư vùng DTTS.

 

Anh-tin-bai

Truyền thông thay đổi nếp nghĩ, cách làm xóa bỉ định kiến giới, nhằm thay đổi các hủ tục, quan điểm lạc hậu

tại huyện Con Cuông. Ảnh CTV

    Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ người DTTS, già làng, trưởng xóm, bản, người có uy tín, hòa giải viên, cộng tác viên ở cơ sở trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình ngay tại thôn, bản. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và thực thi nghiêm minh theo pháp luật trong công tác phòng, chống tảo hôn, HNCHT. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, nhất là đối tượng là cán bộ, đảng viên; xử phạt hành chính kết hợp với xử phạt theo hương ước, quy ước. Kết hợp và nâng cao hiệu quả giữa công tác chỉ đạo, thực hiện, kiểm tra, đánh giá, xử lý vi phạm với thi đua khen thưởng, nhân rộng các mô hình hay trong tuyên truyền, vận động, thực hiện tốt công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân.

Vương Giang

THÔNG BÁO
VIDEO - CLIP
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1