image banner
  ĐĂNG NHẬP  
Phát huy hiệu quả của các cấp Hội phụ nữ tỉnh Nghệ An trong công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật

Tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em, phụ nữ và bình đẳng giới là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cấp Hội nhằm giúp chị em nâng cao nhận thức về pháp luật để nghiêm túc chấp hành, đồng thời thấy được vai trò, vị trí của mình trong gia đình và ngoài xã hội để tự bảo vệ quyền lợi của mình, đấu tranh chống lại mọi hành vi vi phạm pháp luật, mọi hình thức kỳ thị, phân biệt đối xử và nạn bạo hành đối với phụ nữ, trẻ em.

Những năm qua, để góp phần nâng cao hiểu biết về kiến thức pháp luật cho cán bộ, hội viên, phụ nữ, các cấp Hội đã chủ động phối hợp, đề xuất các giải pháp với Hội đồng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, huyện và các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho từng nhóm đối tượng, vùng miền khác nhau trên địa bàn tỉnh.

Đổi mới nội dung, hình thức phối hợp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến trẻ em, phụ nữ và bình đẳng giới

Để công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động chị em phụ nữ đạt hiệu quả, các cấp Hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể đổi mới hình thức thức tổ chức cho phù hợp với tình hình hiện nay. Các cấp Hội tổ chức tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực như: Tổ chức các hội nghị, mít tinh, hội thảo, tọa đàm, truyền thông tại cộng đồng; Đối thoại chính sách, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật như: Thi trực tuyến tìm hiểu về chủ quyền biển đảo, tìm hiểu các văn bản pháp luật mới, Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”; Tổ chức 04 cuộc thi tìm hiểu kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình bằng hình thức sân khấu hóa tại huyện Quỳnh Lưu, 01cuộc Thi tìm hiểu về phòng chống bạo lực gia đình và phòng chống dịch bệnh Covid 19; 03 cuộc thi rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức phòng chống xâm hại tình dục tại huyện Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn; cuộc thi "Trao yêu thương - trọn niềm hạnh phúc”; "Sáng kiến truyền thông về phòng chống xâm hại tình dục” tại trường THCS Minh Lương Quỳnh Lưu có 534 sáng kiến của 807 em học sinh tham gia (đạt 100%), trong đó 271 bài viết văn, thơ, truyện, có 244 sáng kiến bằng tranh vẽ và 19 sáng kiến video…; Tổ chức "Tìm hiểu về di cư an toàn, phòng chống mua bán người” online trên trang Fanpage Phụ nữ Nghệ An, Yên Thành, Tương Dương .... đây là những hình thức thu hút được đông đảo người dân tham gia nhất và cũng là hình thức tuyên truyền đạt hiệu quả nhất. Thông qua các bài viết, các tiểu phẩm, bài hát tự biên, các bài thơ được các nghệ sỹ không chuyên là những hội viên, phụ nữ, các em học sinh tự sáng tác và trình diễn tại nhà văn hoá các thôn với những nội dung tuyên truyền về phòng, chống buôn bán phụ nữ - Trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình phù hợp với tình hình thực tế, được đông đảo quần chúng Nhân dân đón xem và cổ vũ.

Anh-tin-bai

Hội Phụ nữ Công an tuyên truyền pháp luật tai xã Châu Quang huyện Quỳ Hợp. Ảnh. CTV

Hội phụ nữ các cấp xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, tuyên truyền qua cổng thông tin điện tử, trang Fanpage, Zalo, Facebook…; tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh của các khối, thôn, xóm, bản; sinh hoạt câu lạc bộ (CLB) với các nội dung như: Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình, lĩnh vực Đất đai, mua bán người, di cư an toàn, phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình... Kết quả 10 năm qua, các cấp Hội đã tổ chức triển khai, tuyên truyền phổ biến các chính sách, pháp luật cho 991.347 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ.

Hàng năm, Hội LHPN tỉnh phát hành 04 số Bản tin "Phụ nữ Nghệ An" trong đó có  các chuyên đề như: “Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho phụ nữ“ “Phụ nữ Nghệ An chung tay bảo vệ môi trường”, “Phòng chống mua bán người”, “Phòng chống bạo lực gia đình” với số lượng 20.000 cuốn/năm cấp phát về tận chi hội phụ nữ.

Nhiều mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật được các cấp Hội hướng dẫn, chỉ đạo xây dựng thành lập đã duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 500 mô hình CLB với các tên gọi : “Phụ nữ với pháp luật”, “Bình đẳng giới”, “Gia đình không có người thân vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội”, “Phòng, chống mua bán người”; “Phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”...; thành lập 02 “đội phản ứng nhanh hỗ trợ các trường hợp bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục và mua bán người, CLB “ Người đàn ông trách nhiệm” với thành viên tham gia là người gây bạo lực và “ CLB Sức sống mới” với thành viên là các nạn nhân bị bạo lực tại xã Quỳnh Lương, Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu; 02 nhóm “Hỗ trợ phụ nữ di cư lao động an toàn” tại xã Sơn Thành, Bảo Thành, huyện Yên Thành; mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người”; “Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng” tại xã Lượng Minh, Xá Lượng, Yên Hoà, Tam Quang, huyện Tương Dương; xã Hạnh Dịch, Mường Nọc, huyện Quế Phong; xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu; xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ; xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn…; Mô hình “Làng quê an toàn cho PN và TE” ở Nghi Thạch, Nghi Lộc; Mô hình CLB ‘Gia đình hạnh phúc bền vững” và tổ tư vấn hôn nhân - gia đình tại Vĩnh Sơn, Anh Sơn; Mô hình “Phòng chống mua bán người và di cư không an toàn” và ra mắt CLB “Bình yên” tại xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp…..

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, Hội LHPN tỉnh hướng dẫn chỉ đạo các huyện, thành thị Hội linh hoạt, sáng tạo, đổi mới các hình thức, áp dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền PBGDPL: Sao gửi văn bản, đăng tải các thông tin pháp luật và tài liệu tuyên truyền PBGDPL trên cổng thông tin điện tử; đăng tải tin, bài trên các trang Facebook, Zalo, Fanpage "Phụ Nữ Nghệ An”. Hàng năm đăng tải hơn 2.780 tin, bài có trên 15.000 lượt người theo dõi... đã nhận được sự ủng hộ tích cực của đông đảo cán bộ, người dân, phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền. Tổ chức các Hội nghị trực tuyến, sinh hoạt trực tuyến để tuyên truyền các văn bản mới, triển khai tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, tư vấn pháp luật.

Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp Hội kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của Hội theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Đến nay toàn tỉnh có 7.180 bao cáo viên, tuyên truyền viên trong đó có 44 báo cáo viên cấp tỉnh.

Quan tâm triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù

Hội LHPN tỉnh xây dựng kế hoạch hoạt động chỉ đạo các cấp Hội đa dạng hoá nội dung, hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến pháp luật lồng ghép với việc thực hiện các đề án, chương trình, phong trào, nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Trong đó, quan tâm đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ vùng giáo, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Cấp tỉnh đã chỉ đạo xây dựng các mô hình cho đối tượng đặc thù như: Mô hình “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên, phụ nữ vùng giáo” tại xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu, phường Nghi Tân, TX Cửa Lò; mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người” tại xã Lượng Minh, Xá Lượng, Yên Hoà, huyện Tương Dương; xã Hạnh Dịch, Mường Nọc, huyện Quế Phong, xã Châu Thắng, Châu Bính huyện Quỳ Châu, xã Phú Sơn huyện Tân Kỳ, xã Hữu Kiệm huyện Kỳ Sơn; duy trì và nhân rộng mô hình CLB “Phụ nữ với pháp luật”, "Xây dựng cơ sở Hội vững mạnh, đồng hành cùng chi hội, tổ phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, biên giới"; mô hình "Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới”; tổ chức diễn đàn “Lắng nghe phụ nữ H’Mông nói….

Hàng năm, Tổ chức ký kết chương trình phối hợp với Trại giam Số 6, trại tạm giam để phối hợp cải tạo phạm nhân nữ và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng. Chỉ đạo 21 huyện thành thị phối hợp công an địa phương theo dõi và giúp đỡ những nữ phạm nhân được mãn hạn tù trở về địa phương.

Đến nay, kết quả có 25/27 xã biên giới được hỗ trợ các mô hình sinh kế, trang bị các phương tiện làm việc, vật dụng, đồ dùng thiết yếu, xây dựng mái ấm tình thương… để góp phần giúp đỡ phụ nữ vùng biên giới vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên làm chủ cuộc sống.

Thu hút, triển khai các chương trình, đề án, dự án về phổ biến giáo dục pháp luật

Trong những năm qua, Hội các cấp chủ động khai thác các nguồn lực từ các chương trình, đề án và dự án để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới như: Tiểu đề án 4 “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ nông dân và dân tộc thiểu số”giai đoạn 2013-2016; Đề án "Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt giai đoạn 2010 - 2015”; Đề án: “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2010 -2015”; Đề án Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội, liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027”; Dự án “Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân để cải thiện việc tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới” tại huyện Quỳnh Lưu; Dự án: “Đấu tranh chống buôn bán người và nô lệ thời hiện đại: Tiếp cận liên ngành nhằm thay đổi hành vi, tăng cường hỗ trợ tiếp cận pháp lý và tái hòa nhập cho nạn nhân” tại Yên Thành, Diễn Châu, Tương Dương; Dự án “Xây dựng mô hình hỗ trợ sinh kế vật nuôi cho những phụ nữ bị mua bán trở về và có nguy cơ bị mua bán” tại xã Nghĩa Thọ, Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Đàn Ngoài ra, Hội các cấp được quan tâm bố trí nguồn lực từ 60-100 triệu đồng /năm để tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.  

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác tuyên truyền PBGDPL trong các cấp Hội vẫn có những vấn đề đặt ra đó là: Một số báo cáo viên, tuyên truyền viên vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn hạn chế, chưa đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ công tác tuyên truyền PBGDPL hiện nay; Việc huy động nguồn lực xã hội cho công tác PBGDPL chưa đạt kết quả như mong muốn; Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác PBGDPL tuy đã được chú trọng nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật đa dạng và ngày càng cao của cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân; Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm còn diễn biến phức tạp nhất là các vi phạm về bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, an ninh mạng, di cư tự do, xâm hại trẻ em...

Để tiếp tục phát huy hiệu quả của công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong thời gian tới, các cấp Hội cần tiếp tục thực hiện tốt vai trò là thành viên trong hội đồng, ban chỉ đạo, tổ công tác PBGD pháp luật từ tỉnh đến cơ sở; chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung cụ thể, quán triệt thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của Hội. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những kiến thức cơ bản về pháp luật và các văn bản pháp luật mới ban hành cho cán bộ, hội viên, phụ nữ. Vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân tích cực tham gia phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm, phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, nhân rộng các mô hình phụ nữ với pháp luật; tích cực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; chú trọng lồng ghép việc tuyên truyền, tư vấn pháp luật với vấn đề bình đẳng giới, thực hiện công bằng xã hội; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở gắn với việc phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ chấp hành pháp luật của cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân, từng bước hạn chế vi phạm, tội phạm, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

                                                                                      Lan Anh

THÔNG BÁO
VIDEO - CLIP
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1